Dừng nhận người Việt Nam
![]() |
Ảnh: Internet |
Nửa cuối năm 2008 chính phủ Séc của thủ tướng Petr Nečas vì "lí do an ninh đặc biệt nghiêm trọng" nhiều tháng trời cũng đã cấm lãnh sự của mình ở Hà Nội cấp thị thực cho người Việt Nam sang CH Séc. Bộ trưởng Nội vụ dạo đó là Ivan Langer tuyên bố trên Truyền hình Séc, rằng trong cộng đồng nói tiếng Việt ngày càng mạnh lên các tổ chức tội phạm. Và nay sau một thập kỷ lịch sử trở lại.
STOP Vietnamům
Trong số ra cuối cùng tháng Bẩy 2018 tạp chí Týden đăng bình luận mang tiêu đề STOP Vietnamcům, mà theo đó thì chính phủ Séc hiện nay không muốn cộng đồng người Việt Nam đông thứ ba trong các cộng đồng người nước ngoài ở Séc bùng nổ số lượng hơn nữa. "Ít ra là trong một thời gian nào đó. Đình chỉ nhận đơn đề nghị cấp thị thực dài hạn được lí giải vì đe dọa an ninh," tạp chí viết.
Týden mô tả lại chiến dịch mang mật danh KIWI, khi mà Trung tâm bài trừ ma túy Quốc gia (NPC) phá vỡ nhóm tổ chức tội phạm gồm nhiều người Việt Nam có khả năng sản xuất tới hàng tấn ma túy pervitin. KIWI được coi là một trong những chuyên án lớn nhất trong vòng mười năm qua của các thám tử NPC.
Thế nhưng những chiến dịch tương tự rất nhiều và phần lớn có nét điển hình chung, là người Việt Nam tham gia vào các hoạt động sản xuất, phân phối ma túy bất hợp pháp. "Đứng đầu trong lĩnh vực tội phạm ma túy có tổ chức vẫn có thể tiếp tục coi đó là hoạt động của các nhóm tội phạm Việt Nam sản xuất metamfetamin công suất lớn để xuất khẩu," báo cáo của NPC viết. NPC cũng lưu ý xu hướng phát triển của các nhóm có tổ chức với thành phần đa sắc tộc: Việt Nam, Séc, Ba Lan và Slovakia. Năm ngoái cảnh sát hình sự chống ma túy đã truy tố trong 45 vụ phát hiện được 184 người, trong đó bao gồm 97 người nước ngoài và Việt Nam chiếm tỉ lệ lớn- tròn 50.
"Phần lớn ma túy metamfetamin sản xuất được các nhóm tội phạm Việt Nam bán sang Đức, Áo, Pháp và các nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển). Ghi nhận cả trường hợp đánh sang Úc và Nhật Bản," báo cáo của NPC mô tả. Báo cáo cũng đề cập tới chiến dịch JATKA, phát hiện cơ sở điều chế ngay trong khu chợ Sapa nổi tiếng ở phường Libuš, Praha 4. Khi khám tòa biệt thự sang trọng của cặp vợ chồng người Việt Nam cảnh sát còn tìm thấy 4,8 nghìn chiếc đồng hồ đeo tay giả mang nhãn hiệu nổi tiếng thế giới mà giá thành bán lẻ lên đến gần 250 triệu korun.
Dừng tiếp nhận hồ sơ thị thực
Một thời gian ngắn sau khi Trung tâm bài trừ ma túy Quốc gia công bố báo cáo thường niên, giữa tháng Bẩy 2018 chính phủ của thủ tướng Andrej Babiš (ANO) quyết định với hiệu lực tức thì đình chỉ nhận hồ sơ đề nghị cấp thị thực dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh cho người Việt Nam. Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamáček (ČSSD) cũng tương tự như đồng nghiệp Ivan Langer (ODS) mười năm trước nói đến lí do an ninh.
Phản ứng qua lại
Cuối tháng Sáu chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lubomír Zaorálek (ČSSD) nổ phát súng đầu tiên khi khẳng định "Việt Nam là tổ chức tội phạm" và "nó đã trở thành mối đe dọa an ninh hàng đầu". Các hội đoàn người Việt lập tức phản ứng dữ dội đòi xin lỗi và lần đầu tiên trong lịch sử trên phương diện này đại sứ quán Việt Nam sau nhiều ngày cân nhắc đã can đảm cử nhân viên mang công hàm đến bộ Ngoại giao Séc phản đối phát ngôn của một chính khách Séc. Dĩ nhiên trên bình diện ngoại giao, nước chủ nhà khẳng định đó không phải là đường lối đối ngoại chính thức với Việt Nam, mà đó chỉ là quan điểm của cá nhân Lubomír Zaorálek. Để rồi vài ngày sau đó chính phủ Séc ra lệnh cho đại sứ quán của mình ở Hà Nội tạm dừng tiếp nhận hồ sơ "xin" thị thực của người Việt Nam vô thời hạn. Vào thời điểm này, phía Séc chỉ ưu tiên nhận hồ sơ đề nghị cấp thị thực vì mục đích đoàn tụ gia đình.
Như cởi tấm lòng, Lubomír Zaorálek hoan nghênh "quyết định đúng đắn" của chính phủ, và rằng "cần phải có biện pháp mạnh" với thái độ bất hợp tác của phía Việt Nam trong vấn đề hợp tác chống tội phạm. Theo Lubomír Zaorálek, thì nay "bóng đang ở trong chân" phía Việt Nam.
Không phải chờ lâu, đầu tháng Tám người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng cho biết " Việt Nam mong muốn thảo luận thêm với Czech sau khi nước này ngừng cấp thị thực lao động, kinh doanh dài hạn cho người Việt". Theo bà Hằng, Việt Nam và Czech có mối quan hệ hợp tác tốt ở nhiều mặt. Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Czech giải quyết những vướng mắc trong việc cấp thị thực dài hạn với mục đích lao động hoặc kinh doanh của người Việt Nam, qua đó tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực phù hợp với quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. (vnexpress)
Dĩ nhiên phía Việt Nam vẫn cố xoa dịu vấn đề bằng cách theo khẳng định của bà Hằng: "Chúng tôi hiểu rằng đây là vấn đề mang tính kỹ thuật" chứ không như cách hiểu của nhà cầm quyền Séc, rằng đây là sự thể hiện thái độ rõ ràng nhất hiện nay để gây sức ép buộc phía Việt Nam tích cực hợp tác trấn áp các băng nhóm tội phạm người Việt ở Séc.
Không nhằm chống người Việt Nam
Kết quả khảo sát của Trung tâm điều tra xã hội (CVVM) hồi mùa Xuân vừa qua, thì thiện cảm của người Séc đối với người Việt Nam có xu hướng gia tăng và hiện nay đang đạt chỉ số cao nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát tìm hiểu về khía cạnh này năm 2013. Biện pháp dừng thị thực của chính phủ cũng vấp phải phản ứng tiêu cực từ Phòng Kinh tế CH Séc.
Sáu mươi năm di dân của người Việt sang Séc
Người Việt Nam đã bắt đầu đặt chân đến Tiệp Khắc từ thập niên năm mươi thế kỷ trước. Nhóm đông đảo đầu tiên là một trăm trẻ Việt Nam nạn nhân chiến tranh, được bố trí tại thị trấn Chrastava vùng Liberec. Những nhóm khác tiếp tục đến Tiệp Khắc trong thập niên sáu mươi. Bước ngoặt bắt đầu từ năm 1973, khi phía Việt Nam đề nghị đưa thêm 10 tới 12 nghìn công dân của mình sang tiếp thụ khinh nghiệm chuyên môn. Trong các năm tiếp theo hai bên đã ký hàng loạt hiệp định liên chính phủ về lưu học sinh, học nghề và lao động từ Việt Nam sang Tiệp Khắc. Tới giữa thập niêm tám mươi trên lãnh thổ Tiệp Khắc có khoảng 30 nghìn người Việt Nam, một số nhà máy xí nghiệp hoàn thành kế hoạch nhờ sự chăm chỉ của công nhân Việt Nam và nhiều nhà máy không thể hoạt động nếu thiếu công nhân Việt nam.
"Sau khi kết thúc hiệp định mỗi công nhân Việt Nam có thể gửi về quê hương số lượng hàng hóa miễn thuế với trị giá một nửa tổng thu nhập sạch của mình. Xí nghiệp nơi họ làm việc có nghĩa vụ đóng thùng, mà họ đã xếp đồ đạc của mình vào đó với những sáng kiến sao cho tiết kiệm diện tích nhất. Phản ứng trước sáng tạo vô biên của người Việt những qui định thuế quan nghiêm ngặt hơn đã được ban hành. Hạn chế áp dụng cho số lượng xe máy, xe đạp, máy khâu...có thể đóng thùng," Stanislav Brouček từ Viện Nhân chủng học Hàn lâm Khoa học CH Séc, mô tả.
Cả sinh viên cũng bị hạn chế nhưng trong trường hợp này qui định là của Đại sứ quán Việt Nam đưa ra. "Người khác giới không được phép quan hệ. Nếu trong nhà tập thể diễn ra gặp gỡ giữa những người khác giới, cửa phòng phải mở hay phải có người thứ ba hiện diện. Sau năm 1982 mức độ ngăn cấm bắt đầu được nới lỏng, người Việt Nam có thể quan hệ tình cảm với nhau, nhưng không được phép có thai. Mang thai cũng đồng nghĩa với lập tức hồi hương. Sinh viên- nam giới không được để tóc dài hay mang trang phục kiểu phương tây. Cuối mỗi niên học diễn ra khóa chỉnh huấn chính trị một tuần," Stanislav Brouček cho biết thêm.
Từ nửa sau thập niên tám mươi số lượng người Việt Nam ở Tiệp Khắc ít dần, từ thập niên chín mươi bắt đầu giai đoạn di dân kinh tế mới. Người Việt Nam nhìn thấy ở Cộng hòa Séc cơ hội cải thiện điều kiện kinh tế của mình. "Tuyệt đại đa số những người ở cương vị lãnh đạo hiện nay trong cộng đồng Việt Nam đều có kinh nghiệm về cuộc sống ở Tiệp Khắc trước năm 1989," Stanislav Brouček khẳng định. Hiện nay tại CH Séc có khoảng 60 nghìn công dân Việt Nam sinh sống. Mặc dù đa số vẫn duy trì trong cộng đồng mình, nhưng nhất là thế hệ trẻ đã hòa nhập vào cộng đồng xã hội Séc.
David Nguyen - Theo Týden, Pavel Baroch ©Vietinfo