Séc-Slovakia

Dân tộc thiểu số tại Séc: Nỗ lực muốn đi trước thời đại

Cập nhật lúc 18-02-2012 21:23:15 (GMT+1)
Dân tộc thiểu số tại Séc. Ảnh minh họa.

 

Theo các phương tiện truyền thông cộng đồng, thì vào buổi chều ngày 8.2.2012, tại trụ sở Hạ nghị viện Cộng hoà Séc, đại diện Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại CH Séc đã có buổi làm việc với bà Marta Semelová, thành viên Uỷ ban các vấn đề xã hội và giáo dục của Quốc hội CH Séc.


> Người Việt sẽ trở thành một dân tộc thiểu số tại Séc?

Tin đã đưa, rằng nội dung buổi làm việc là thảo luận một số vấn đề về hội nhập của cộng đồng người Việt Nam, trong đó tập trung bàn luận về thủ tục, các bước tiến hành việc đề nghị Chính phủ và Quốc hội CH Séc xem xét công nhận dân tộc thiểu số của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc.Đoàn Việt Nam tại Hạ Viện Séc

Tôi vẫn còn nhớ, là cách đây khoảng ba bốn năm, đã viết thư ngỏ gửi ban lãnh đạo Hội người Việt Nam tại CH Séc và Ban công tác cộng đồng Đại sứ quán, về ý tưởng nên thành lập một tổ chức công dân của những người Việt Nam đã ra nhập quốc tịch CH Séc, với tên gọi là Hội người Séc gốc Việt. Để sau đó làm "bàn đạp“ đi tới bước đưa ra đề nghị, yêu cầu chính quyền CH Séc công nhận Việt Nam là dân tộc thiểu số tại quốc gia này.

Ý tưởng ấy dạo đó đã tạo nên một làn sóng tranh luận sôi nổi và sau này Hội người Séc gốc Việt Nam đã được thành lập hồi đầu năm 2010 và ông Phạm Công Tú được bầu làm Chủ tịch. Tổ chức pháp nhân này đã đăng ký hoạt động với bộ Nội vụ CH Séc với tên gọi tiếng Séc là Asociace Českých občanů Vietnamského původu (ACVN) và tiếng Anh là Association of Vietnamese with Czech citizenship. Bước khởi đầu như vậy là tương đối hoàn thiện, chỉ có điều hơi tiếc, là từ đó đến nay hoạt động của ACVN chưa tích cực như tham vọng của nó cũng như của nhiều người quan tâm khác, trong đó có tôi.

Bởi trọng trách then chốt hàng đầu của ACVN từ khi nó phôi thai đã là nỗ lực để nhà nước Séc chính thức công nhận Việt Nam là sắc tộc thiểu số tại CH Séc. Và điều này, tạm thời hiện nay chỉ ACVN mới có đủ tư cách pháp nhân để dưa ra ý kiến đề nghị hợp tình hợp lí này lên Chính phủ, Quốc hội CH Séc chứ không thể là ai khác! Vì định nghĩa thế nào là sắc tộc thiểu số tại CH Séc đã được ghi rất rõ trong luật số 273/2001 Sb., được gọi là luật sắc tộc thiểu số mà hiện nay vẫn còn hiệu lực pháp lí.

Xin được phép trích dẫn lại: Sắc tộc thiểu số là cộng đồng công dân Cộng hoà Séc hiện đang sống trên lãnh thổ Cộng hoà Séc, mà có sự khác biệt với những công dân khác về ngồn gốc sắc tộc, ngôn ngữ, văn hoá và truyền thống, hình thành nhóm thiểu số công dân đông đảo và đồng thời thể hiện ý chí muốn được coi là sắc tộc thiểu số với mục đích cùng nhau nỗ lực bảo tồn và phát triển bản thể, ngôn ngữ, văn hoá và đồng thời nhằm mục đích thể hiện và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng họ, mà đã được lịch sử hình thành.

Như vậy nghĩa là: Thành viên dân tộc thiểu số (phải) là công dân Cộng hoà Séc, tình nguyện tuyên bố thuộc dân tộc khác với dân tộc Séc và thể hiện nguyện vọng được coi là thành viên dân tộc thiểu số cùng với những người khác, cùng tuyên bố thuộc dân tộc này.
Những cộng đồng được công nhận quy chế sắc tộc thiểu số tại thời điểm hiện nay tại CH Séc :
cộng đồng Bulgaria, Croatia, Hungari, Đức, Balan, Digan, Rusin,  Nga, Hi lạp, Slovakia, Serbia và Ukraina.

Dạo đó, động cơ để tôi đi sâu vào tìm hểu về vấn đề này trước hết là những bức xúc, khi nghe viên bộ trưởng Nội vụ CH Séc ngày đó là Ivan Langer (đảng ODS) trên truyền thông đại chúng trắng trợn tuyên bố hoàn toàn theo cảm tính của kẻ không hề hiểu biết gì về lĩnh vực này, rằng „Chính phủ Việt Nam có mưu đồ xây dựng dân tộc thiểu số Việt Nam ở đây!“

Và nay, trước các bước đi gần đây của một số người đại diện cho cộng đồng người Việt Nam, cụ thể là lần tiếp xúc vào ngày 16.9.2011 tại Văn phòng Chính phủ CH Séc giữa bà phó thủ tướng Karolína Peake với các quan chức của cộng đồng người Việt Nam và cả Đại sứ quán. Và mới nhất là cuộc gặp gỡ và làm việc với bà nghị sĩ đảng Cộng sản Séc và Morava Marta Semelová hôm 8.2.2012, thấy rằng nhiều người cũng vẫn còn đang lẫn lộn trong khái niệm „sắc tộc thiểu số“.

Một lần nữa xin được nhấn mạnh, rằng sắc tộc thiểu số (mà cụ thể ở đây là người Séc gốc Việt) không ai có thể xây dựng lên, mà do tự nó sinh ra. Khi chấp nhận cho người Việt Nam nhập quốc tịch Séc, cũng đồng nghĩa với việc nhà nước Séc đã mặc nhiên công nhận sự tồn tại của cộng đồng thiểu số này rồi. Sắc tộc thiểu số Việt Nam tại CH Séc đã tự nó thành hình, khi những người này bằng các lí do, nguyên nhân khác nhau trở thành công dân CH Séc. Và chỉ khi nào họ thông qua người đại diện cho mình (ở đây tạm thời là ACVN) đồng lòng lên tiếng yêu cầu nhà nước sở tại công nhận là sắc tộc thiểu số Việt Nam tại CH Séc. Rồi sau đó cộng đồng này (người Séc gốc Việt) sẽ có thể là cầu nối tin cậy và chắc chắn giữa nhà nước và xã hội Séc với cộng đồng Việt Nam trên 50 nghìn người sinh sống và làm ăn trên cơ sở giấy phép cư trú tạm thời và vĩnh viễn. Quan hệ này có thiết lập được hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhạy bén, nhạy cảm của nhà nước Việt Nam trong chính sách đối xử với cộng đồng kiều dân này. Bởi dù có mang quốc tịch gì đi nữa, trong huyết quản họ vẫn nồng nàn dòng máu Việt, vẫn luôn lắng nghe những „mệnh lệnh“ của trái tim Việt và chắc chắn sẽ làm hết sức mình để có lợi cho non nước, cho con người Việt Nam.

Còn nếu như căn cứ vào luật về sắc tộc thiểu số của CH Séc (č. 273/2001 Sb) mà hiện nay vẫn còn đang có giá trị pháp lí, thì không bao giờ cộng đồng hơn 50 nghìn người Việt Nam đang sinh sống tại CH Séc có thể được công nhận là sắc tộc thiểu số. Bởi không hề dựa trên cơ sở pháp lí nào. Bởi đó là người nước ngoài sinh sống tên lãnh thổ Cộng hoà Séc. Vậy thì tại sao mà người ta cứ  bốc đồng „dại dột“ hay nói trắng ra là trơ trẽn đưa ra những đề nghị như vậy? Thậm chí nó còn có thể gây ra phản ứng xấu trong dư luận xã hội nước sở tại đang có quá nhiều mặc cảm với một số biểu hiện tiêu cực vẫn còn đang tồn tại trong cộng đồng người Việt Nam.

Điều đó có thể làm nhiều chính khách Séc có thiện cảm bị nhụt chí và thậm chí có thể làm hỏng đại sự. Đơn cử như, Ukraina là sắc tộc thiểu số được chính quyền sở tại công nhận, nhưng hàng trăm nghìn công dân Ukraina khác sang CH Séc lao động không vì thế mà được hưởng bất kỳ "lợi lộc“ nào qua cái qui chế này. Và trong tương lai, mà tôi tin chắc là có thể được công nhận (qui chế sắc tộc thiểu số), thì những công dân Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở đây, kể cả có sau tới hàng chục thế hệ nữa, có coi đây là quê hương thậm chí là thứ nhất hay duy nhất đi nữa và vẫn thuộc lòng bài học "Neumím česky!“ thì cái qui chế này cũng không hề dính dáng gì tới họ cả.

Tất cả những ai muốn „chơi con bài“ sắc tộc thiểu số này nên ý thức được, rằng đây là vấn đề hoàn toàn thuộc về nội bộ của quốc gia CH Séc và không một cơ quan nước ngoài nào nên trực tiếp tham dự vào, mà cùng lắm thì chỉ nên nằm ở trong khuôn khổ cố vấn, yểm trợ tinh thần hay kể cả vật chất. Nhưng cũng chỉ nên dừng lại ở mức hỗ trợ không chính thức, kín đáo và tế nhị mà thôi.

Cũng còn bởi cả rất nhiều lí do khác, ví dụ như chọn lựa đối tác để làm việc. Như trong trường hợp này, thì nơi "nhận đơn“ và xem xét giải quyết chắc chắn phải là Uỷ ban Chính phủ về các sắc tộc thiểu số (Rada vlády pro národností menšiny), với địa chỉ liên hệ là Văn phòng chính phủ CH Séc: Úřad vlády České republiky. Sekretariát Rady vlády pro národnostní menšiny.  Nábřeží Edvarda Beneše 4 . 118 01 Praha 1 - Malá Strana. E-mail: narodnostni.mensiny@vlada.cz, chứ không phải là Uỷ ban các vấn đề xã hội và giáo dục của Quốc hội CH Séc. Và lại càng không nên "nộp đơn“ cho bà nghị sĩ Cộng sản Marta Semelová, chủ tịch chi bộ KSČM Praha, nổi tiếng với những ngôn từ cực đoan về lịch sử của chế độ cũ tại Tiệp Khắc mà thậm chí đến cả ban lãnh đạo đảng Cộng sản Séc và Morava phải tuyên bố không liên quan đến và đó là quan điểm của cá nhân bà nghị. Nghị sĩ Quốc hội của tất cả các đảng phái khác đều tránh  „bà đầm thép đỏ“ này chứ đừng nói gì đến chuyện hợp tác cởi mở. Vậy thì khi "vấn đề thiểu số Việt Nam“ mà nếu có được bà Semelová thực hiện đúng lời hứa hẹn và đưa ra Quốc hội để xem xét, dù có trong sáng tới đâu, sự đón tiếp của các dân biểu Séc chắc chắn sẽ không mặn mà, nếu không muốn nói thẳng là dễ bị bỏ ngoài tai. Hơn nữa với hệ thống tam quyền phân lập của CH Séc, thì các dân biểu- những nhà làm ra luật pháp CH Séc- cũng chẳng có lí do gì để „chõ mõm“ vào chuyện kiều dân gốc Việt Nam tại Séc muốn được công nhận là sắc tộc thiểu số. Mọi chuyện do cái Uỷ ban mà địa chỉ đã nêu trên kia kìa, họ quyết định.

Xét cho cùng, thì nỗ lực để yêu cầu chính quyền CH Séc công nhận Việt Nam là sắc tộc thiểu số là đòi hỏi chính đáng và cần thiết. Nhưng cũng là vấn đề tế nhị và thiêng liêng, không nên và không thể để cho một vài cá nhân, tổ chức ngẫu hứng nào cũng có thể đem ra mổ xẻ, tham gia thực hiện để đầu cơ chính trị. Ví dụ như có một vị chủ tịch một tổ chức công dân người Séc có nhiều quan hệ với Việt Nam và tại Việt Nam từng nhiều lần đã và đang khẳng định, rằng sẽ đấu tranh để người Việt Nam tại CH Séc sớm được công nhận là dân tộc thiểu số. Tiếc rằng những câu tiếu lâm đãi bôi dạng này lại rất được nhiều người thích thú lắng nghe, vì nó khoái cái lỗ nhĩ.

Là kẻ không được học hành đến nơi đến chốn, nên tôi hết sức trân trọng những người được đào tạo đến nơi đến chốn. Nhưng nhìn thành phần "phái đoàn“ Việt Nam đến đàm phán với bà nghị sĩ Semelová hôm 8.2.2012, có phần nào làm tôi hoài nghi về năng lực nhìn nhận đánh giá vấn đề của họ. Tại sao họ lại không hiểu hay cố tình không hiểu, rằng đề nghị mà họ nhân danh cho "đại đa số cộng đồng người Việt tại CH Séc“ đưa ra là không bao giờ có thể được chấp nhận vì không dựa trên cơ sở pháp lí.

Vì thế cho nên, tiêu đề của bài viết này là "Nỗ lực muốn đi trước thời đại“, song cũng có thể được gọi là "Nỗ lực cầm đèn chạy trước ô tô!“.

David Nguyen, một người Séc gốc Việt
Gửi đến Vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo