Đại sứ quán Việt Nam tại Séc: Đúng hay sai?
![]() |
Một công dân Việt trước phòng lãnh sự quán quê nhà tại Séc. |
Về Đại sứ quán Việt Nam tại Séc cũng như trên thế giới có nhiều giai thoại vui, tếu và cười ra nước mắt. Nhiều câu truyện được thêu dệt làm cho tình tiết thêm li kỳ và một nguyệt san trong cộng đồng tại Séc đã từng viết các mẩu truyện về Sứ quán thành "Sứ quán liệt truyện"...
Ngày nay tình hình có vẻ khác và dường như các quan chức đã làm việc vì dân theo đúng bổn phận, trách nhiệm và lương tâm của nhà công chức. Dẫu sao họ cũng là người hưởng lương từ dân và cộng đồng người Việt tại hải ngoại là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam...
Nhân đọc bài viết của bạn Lê Điềm từ chi hội Người Việt tại Liberec về sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm giúp đỡ cộng đồng của các quan chức Đại sứ quán Việt Nam tại Séc trên các báo cộng đồng tôi có một vài suy nghĩ riêng ở góc độ khác.
Bạn Lê Điềm đã viết: "Kể ra không có sự gần gũi, tâm sự thì có lẽ tôi vẫn là những người mà người ta cho rằng là bảo thủ. Nhân dịp: Đại hội, hội người Việt Nam thành phố Liberec ngày 15.4.2012, anh Tạ Hồng Minh trong ban công tác cộng đồng Đại Sứ Quán về dự tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều.Điều mà tôi cần phải làm mà chưa làm được! Cứ tưởng bài học đó đã đi vào dĩ vãng rồi, nhưng thực tế nó là một kinh nghiệm, một bài học cần phải nói rõ cho mọi người dân Việt trên đất Séc biết đến.
Trước tiên tôi thành thật xin lỗi anh Trần Minh Dân và gia đình anh. Vì anh đã ra đi lâu lắm rồi mà giờ tôi lại nhắc lại có lẽ không hay lắm. Rất mong anh và gia đình anh thông cảm.
Hồi đó anh Trần Minh Dân qua đời tại thành phố Liberec. Ban công tác cộng đồng chúng tôi tự triển khai công việc, vì anh không có thân nhân và bạn bè thân thích. Chúng tôi đã gọi điện và gửi thư yêu cầu Đại Sứ Quán giúp đỡ, tìm địa chỉ cũng như thân nhân gia đình anh. Nhưng chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là:
“Việc xác định công dân Việt Nam có đúng hay không và tìm người nhà của anh ấy không thể làm ngay được mà cần phải có thời gian…”
Vâng đúng vậy! Lúc đó chúng tôi rất bức xúc với Đại Sứ Quán. Vì đây là trường hợp đầu tiên chúng tôi gặp, hơn nữa chúng tôi chưa đủ tư cách pháp nhân để làm những việc đó. Vì đi đến cơ quan ban nghành nào người ta đều không tin và hỏi: Các anh là ai? Cũng may là: nhờ sự khéo léo và qua những năm tháng từng hoạt động cộng đồng, nên ban công tác cộng đồng chúng tôi có chút ảnh hưởng đến một số ban nghành.
Chúng tôi đã phải xin Sở Ngoại Kiều tìm lại hồ sơ, mới biết được thân nhân gia đình anh. Chúng tôi phải hứa để chứng tỏ tư cách pháp nhân ... Với lại: chúng tôi chỉ biết là:
“Những người Việt nam sang đây thì Đại Sứ Quán là nơi quản lý hồ sơ của họ, thì tên tuổi và thân nhân của họ, hay quê quan họ ở đâu thì Đại Sứ Quán phải biết”.
Thực ra thì chúng tôi chỉ cần biết thân nhân của anh là ai và ở đâu là đủ để chúng tôi kịp thông báo cho gia đình anh biết tin. Theo lời giải thích của anh Minh thì đúng như vậy, tức là “việc xác nhận một công dân, Đại Sứ Quán không thể làm ngay được mà cần phải có thời gian. Hơn nữa trường hợp của anh Dân là: anh đã sang Tiệp vào năm 1988 nhưng từ đó đến nay anh chưa một lần lên Đại Sứ Quán làm bất kể việc gì nên không có hồ sơ lưu gần nhất. Vì hồi trước kia vi tính chưa công dụng nên hồ sơ chỉ có thể viết tay và lưu giữ trong kho”.
Thực ra thì lần đó anh Hoàng Thùy Dương tham tán Đại Sứ Quán cũng đã giải thích cụ thể như thế. Nhưng vì công việc không thể chậm chễ, hơn nữa chúng tôi gặp khó khăn và bế tắc với các ban nghành liên quan nên chúng tôi hơi bức xúc. Nhưng khi mọi việc hoàn tất rồi, thì tôi mới thấy là “không thể trách Đại Sứ Quán hay một cơ quan ban nghành nào mà phải tự ban công tác cộng đồng địa phương đứng ra giải quyết cho công dân mình trước đã."
Nhân đây cũng cho thấy một điều là: Hội người Việt Nam ở các tỉnh tuy là trực thuộc vào trung ương hội và Đại Sứ Quán nhưng chưa đủ thẩm quyền để giải quyết những việc như trên. Vậy tôi rất mong trung ương hội và Đại Sứ Quán có những tác động gì đó để các cơ quan ban nghành địa phương biết đến Hội Người Việt Nam trong địa bàn họ và là một tổ chức được công nhận…" (Lê Điềm).

Có một điều trăn trở là tương tự như đổi, cấp hộ chiếu nhanh, khi mất hộ chiếu và cần giải quyết gấp (thêm lệ phí- chi thêm tiền) thì trong vòng một ngày hoặc một tuần, cơ quan Đại diện có thể xác minh đầy đủ về thân nhân người đó. Về dữ liệu cá nhân, ĐSQ ở Séc không lưu trong máy tính, nhưng với hệ thống khổng lồ của bộ Nội vụ Việt Nam, những dự liệu đó kiểm tra không khó.
Hy vọng những khó khăn như bạn Điềm nêu trên không xuất phát từ vấn đề mấu chốt:
"ĐẦU TIÊN" (tiền đâu?)
Bạn đọc Minh Tâm - Vietinfo.eu