Cửa hàng của anh Bảy
![]() |
Ảnh minh họa - Internet |
Giơ tay lên, tiền mặt để đâu? Đem ngay cho ta! - Đó là cách chào đùa đểu của tôi khi tới thăm anh Bảy, bởi vì nghe đâu lâu nay mấy tay trấn lột hay đến viếng thăm những cửa hàng như thế này lắm.
- Không có tiền đâu, chỉ có hộp xịt cay vào mắt và cái cán búa thôi! - Đấy cũng là cách trả lời đùa vui của anh. Cười nói vui vẻ, anh bắt tay thân mật chào đón chúng tôi và cho biết, từ ngày có cái máy Kamera theo dõi thì hiện tượng mất cắp vặt và trấn lột cũng đỡ đi nhiều rồi.
Anh cho biết thêm: hôm trước anh đi liên hoan tạm biệt anh bạn về quê, chị Ba, vợ anh ở nhà một mình bị một thằng thanh niên choai choai bịt mặt dí khẩu súng đen ngòm vào mặt chị đòi chìa khóa hộp đựng tiền. Đang run cầm cập, thế mà không hiểu sao chị lại vớ được hộp xịt, xịt trúng mắt thằng trấn lột. Chắc là quá bất ngờ nên nó chạy ra khỏi cửa hàng như bay, không dám quay mặt lại, đánh rơi cả khẩu súng bằng nhựa ra sàn nhà. Thế nhưng khi gọi điện thoại nhắn anh về mà chị vẫn còn run vì sợ.
Còn đây, thưa bà con chưa làm Potraviny-Verčerka, là cửa hàng của anh Bảy. Bánh kẹo các loại, cà phê, chè, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, các mặt hàng dân dụng cho gia đình, các mặt hàng Drogerie, các loại rau quả và nhiều thứ hàng khác nữa vân vân và vân vân. Tất cả chỉ vẻn vẹn trong khoảng 50 mét vuông mà hàng hóa được bày bán một cách vô cùng khoa học và cực kỳ tiện lợi cho khách hàng. Phải công nhận là không thiếu một thứ gì! Ở Việt nam ngày trước ở quê tôi thường gọi là quầy hàng xén. Ở đây người dân có thể mua được tất cả những gì họ cần hàng ngày.
Cửa hàng kiểu này trước đây mấy năm nhiều lắm ở Séc, nhưng sau cái luật xây dựng mới ra đời, thì một loạt cửa hàng không được xây trên nền móng vững chắc đã bị dẹp hết, vì họ không được phép bán thuốc lá, rượu nặng. Ở bên các nước Tây Âu thì thường là bị cạnh tranh khốc liệt bởi các siêu thị kếch sù và hầu như bị tiêu diệt. Nhưng mấy năm gần đây được bà con người Việt mình ở Séc phục hồi lại rất nhanh, nhất là ở những khu đông dân cư, dưới các nhà cao tầng, hơi xa siêu thị. Người ta đã thống kê được rằng các cửa hàng loại này ở Séc cung cấp cho khách hàng cỡ 35 phần trăm hàng tiêu dùng. Tất nhiên sau khi Séc là thành viên của EU thì các siêu thị mọc lên nhanh chóng. Ngoài các siêu thị sẵn có như Tesco, Kaufland, Albert, Bila có rất nhiều siêu thị khác như Lidl, Peny Market, Interspar đang triển khai mở rộng các chi nhánh ở các địa điểm khác nhau. Tuy vậy mặc dầu có sự cạnh tranh khốc liệt những cửa hàng nhỏ như kiểu của anh Bảy vẫn còn hoạt động tốt và trong tương lai vẫn còn trụ lại được. Dân mình khai thác các loại hàng giá rẻ nên cũng bán giá phải chăng, lại mở từ 7h đến 22h, rất tiện lợi cho người tiêu dùng. Người dân Séc vẫn tìm đến những cửa hàng nhỏ này và siêu thị cũng không thể nào phục vụ họ một cách hoàn hảo được.
Anh Bảy tâm sự: người dân tìm đến chúng tôi hàng ngày và mua những thứ mà họ quên mua ở các siêu thị trong những ngày nghỉ cuối tuần. Anh Bảy đã thuê cửa hàng này đã được ba năm nay rồi. Hồi trước anh cũng đã “chiến đấu“ ở chợ biên giới. Hồi đấy làm ăn ở biên giới khá thuận lợi, lấy hàng ở chợ đổ hàng ở đầu chợ và bán cho khách Tây ở cuối chợ. Khách hàng chủ yếu là người Đức. Tất cả bạn bè ai cũng bảo anh là người cực kỳ thật thà, chất phác thế mà không hiểu sao anh lại phải ra đi.
Sau đó mọi người đồn ầm lên và mới vỡ lẽ ra: anh đã hơi cương một lần, và chỉ một lần duy nhất anh dám cả gan cãi lại người hùng chủ chợ và kết quả là anh phải „biến“. Nhưng thực ra theo anh Bảy thì đó cũng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khác đã khiến anh phải quyết từ bỏ chợ vùng biên để về Praha. Dạo đó khách hàng cứ thưa dần vì hàng hóa của mình không hấp dẫn người Đức nữa. Muốn buôn bán có lãi thì đôi lúc phải lách luật, phải làm phi pháp. Và thế là thanh tra, hải quan quần suốt ngày. Không may mà bị họ phát hiện thì mất hết, mất nặng thì xem như cả năm, mất nhẹ thì cũng coi như nửa năm làm không công rồi, đấy là chưa kể đến sự liên lụy nguy hiểm đến giấy tờ cư trú nữa.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa, đó là hai đứa con của anh học khá giỏi và cần trường tốt để theo học. Theo tinh thần ’’hy sinh đời bố củng cố đời con’’ nên anh phải quyết về Thủ đô để ’’tìm thầy học đạo’’. Sự việc diễn ra cũng hơi nhanh, trong lúc anh chưa biết có cách giải quyết nào thì may quá, đúng là như người sắp chết đuối vớ được cọc, có anh bạn cùng học hồi phổ thông trung học mách cho thuê lại chỗ này. Buổi đầu việc thu hút khách hàng trên địa bàn này đối với anh cực kỳ là khó khăn. Nhưng dần dần khách hàng họ cũng đến, buổi đầu họ mua bao thuốc sau đó là vỉ trứng rồi cân đường và buổi tối thì chai rượu vang, dăm ba chai bia.
Mấy cán bộ hành chính ở mấy cơ quan bên cạnh thì mua chai nước khoáng và thỏi sôkôla, thỉnh thoảng thì gói cà phê. Tuyệt vời nhất đối với anh là đội ngũ đông đảo những người hút thuốc lá, hàng ngày họ đóng góp vào doanh thu của anh tương đối lớn và đều đặn. Đến với anh là những người ở hơi xa siêu thị hoặc đối với họ thời gian chờ đợi ở siêu thị là quá lâu. Ở đấy họ phải xếp hàng dài ở quầy trả tiền, họ phải cần nhiều thời gian để tìm được những thứ mà mình ưa thích. Đi mua sắm một tuần một lần hay một tháng vài ba lần thì siêu thị thật là lý tưởng, nhưng những khi cần nhanh thì cửa hàng kiểu của anh Bảy là tiện hơn cả. Và tất nhiên địa điểm là một vấn đề rất quan trọng.
Những người cán bộ, công nhân trong địa bàn là những khách hàng quan trọng nhất của anh. Họ không muốn hy sinh cả buối nghỉ trưa để đi siêu thị và vì thế họ sẵn sàng trả đắt lên vài ba kuron. Đặc biệt là những người lớn tuổi, họ không còn nhanh nhẹn gì nữa, nên họ ngại đi xa. Cuối cùng điều quan trọng nhất mà anh Bảy nhắn nhủ bà con mình là phải chịu khó học tiếng Séc để có thể hiểu và tâm sự được với khách hàng. Ở chợ biên giới chỉ cần mấy tiếng bồi là bán được hàng rồi, còn ở đây anh phải hiểu tiếng để vui vẻ buôn chuyện với bà A về thời tiết, góp chuyện như chuyện trinh thám với ông B về vụ ăn cắp ô tô ở phía bên kia đường hôm nọ, đặc biệt là thông báo với mấy người khách quen về mấy mặt hàng vừa mới về, giá lại rẻ nữa, vv... Bây giờ anh có rất nhiều khách hàng quen, quen thân đến độ tin tưởng nhau tuyệt đối. Anh luôn có một quyển sổ tay, ai cần gì, bao giờ cần lấy thì ghi vào, chiều tối về anh chuẩn bị sẵn để ngày mai giao đúng hẹn. Quyển sổ cũng còn ghi cả những món nợ mà khách hàng chưa kịp trả nữa.
Mấy năm trước đây anh thu hoạch cũng được kha khá, nhưng mấy tháng nay có vẻ hơi kém đi, điều này thì anh có thể giải thích được. Vừa qua các siêu thị quảng cáo rùm beng và đại hạ giá. Anh nói: người ta thường nói thời gian là vàng là bạc nhưng đối với nhiều người Séc thì chưa hẳn là thế. Khi không có nhiều tiền thì người ta sẵn sàng bỏ cả ngày nghỉ để đến siêu thị mua hàng hạ giá. Theo anh thì càng ngày càng khó khăn cho người Việt mình, vì các cửa hàng kiểu của anh mọc lên như nấm sau cơn mưa, giá vào ‘’cửa’’ lại cao ngất ngưởng. Ngoài ra lại còn phải cạnh tranh với mấy cửa hàng bán giống hệt dân ta như Tesco Expres, Žabka.
Tuy vậy khi được hỏi về chuyên mục:“ Ở hay Về “ theo diễn đàn của TTM mới đây thì anh bật ngay dậy và khẳng định: “ Chúng ta mỗi người phải tự vận động cho thích hợp với điều kiện kinh doanh của mình chứ về thế nào được. Tôi có gia đình hạnh phúc ở đây, tôi có diễm phúc là có thằng con trai học rất giỏi, đang học ở một trường chuyên ở đây, tương lai đang ở phía trước’’
Ngồi uống cà phê nói chuyện ở trong phòng kho chứa đầy ắp hàng, chúng tôi thấy khách hàng vẫn đến mua đều đều. Cô cháu gái con chị cả ở quê, anh chị vừa đón sang được 4 tháng nay mà đã đứng bán hàng một cách ngon lành. Anh đang đặt mua thêm một cửa hàng nữa ở cách đây 500 mét phía bên kia đường gần bến tàu điện nổi. Anh Bảy rất có lý, anh phải tạo điều kiện tốt nhất cho cậu quý tử, để rồi mai sau cháu không phải vất vả thuê quầy, thuê quán như bố mẹ cháu đang phải làm như hôm nay./.
Nguyễn Văn Sung - Praha
Theo: TTM