Séc-Slovakia

Cú lừa văn chương mang tên Phạm Thị Lan

Cập nhật lúc 04-12-2009 09:37:25 (GMT+1)
Tác phẩm đoạt giải được in thành sách

 

Sự kiện một cô gái gốc Việt 19 tuổi đoạt giải thưởng văn học mới đây tại Séc được báo chí gọi là “hiện tượng đặc biệt”. Nhưng rốt cuộc, “hiện tượng” này được xác định chỉ là một cú lừa ngoạn mục mà thôi.


Vào đầu tháng 9 vừa qua, báo chí Séc loan tin, Phạm Thị Lan - con gái của một cặp vợ chồng người Việt Nam di cư - đã được nhận giải thưởng Văn học của Câu lạc bộ Sách dành cho các tác phẩm chưa xuất bản. Cô nữ sinh 19 tuổi có tên Séc là Lenka này đã giành chiến thắng với cuốn Ngựa trắng, Rồng vàng viết về sự phân biệt chủng tộc và cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Séc.

Kể từ đó, Phạm Thị Lan - Lenka - luôn được ca ngợi như là một cây bút đầy tiềm năng. Hình ảnh một cô gái tóc đen với nụ cười rạng rỡ luôn xuất hiện trên các trang báo. Kể cũng dễ hiểu, bởi trong lịch sử 14 lần trao giải, mới chỉ có 3 lần tác giả đoạt giải là nữ. Phạm Thị Lan còn là người đầu tiên không phải gốc Séc, người gốc Việt đầu tiên và là tác giả trẻ tuổi nhất từ trước đến nay nhận được giải thưởng này. Cuốn sách sau khi được in ra đã bán rất chạy.

Khi Câu lạc bộ Sách tổ chức lễ trao giải, Phạm Thị Lan gửi e-mail cho biết cô không đến được vì bận du học ở Malaysia. Tất cả các nỗ lực tiếp cận cô cũng liên tục thất bại.

Bí ẩn Phạm Thị Lan

Tác phẩm dự thi được gửi qua e-mail tới ban tổ chức. Trong một e-mail, tác giả cuốn Ngựa trắng, Rồng vàng tự giới thiệu: “Tôi là người Séc. Tôi chào đời tại nơi đây và có lẽ cũng sẽ chết ở đây”. Rồi cô viết tiếp: “Nhưng đối với mọi người thì tôi vẫn mãi là người Việt Nam”. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt của tác phẩm Ngựa trắng, Rồng vàng, nói về sự kỳ thị mà người bản xứ nhằm vào cộng đồng gốc Việt.

Nhưng rồi, văn phong quá điêu luyện cùng một số điểm không thống nhất trong cuốn sách đã làm nhiều người nghi ngờ. Theo tạp chí Respekt, người đầu tiên nêu lên những điều khả nghi là nhà báo Zdenko Pavelka, phóng viên tờ Právo. Trên cơ sở phân tích văn phong và tính hợp lý trong truyện, nhà báo đã đi đến những nhận định ban đầu rằng tác giả thực sự là một người Séc trung niên. “Có thể đây là một nhà văn không mấy thành công và rất gần gũi cộng đồng người Việt”, Pavelka nêu ý kiến.

Sau bài báo của Pavelka, người ta giật mình nhận ra rằng trên thực tế chưa ai được gặp Phạm Thị Lan cả. Tất cả những gì mà người ta biết là qua một trang blog của cô và số e-mail gửi tới Câu lạc bộ Sách. Ngay cả những người phụ trách Câu lạc bộ Sách cũng chưa hề tiếp xúc trực tiếp với cô.

Trong một vài cuộc phỏng vấn qua mạng, Phạm Thị Lan cho biết là kể từ tháng 1.2009, cô theo học tại Đại học Kuala Lumpur. Nhưng báo Respekt khi liên hệ tới trường học tại Malaysia đã nhận được câu trả lời là “không có Phạm Thị Lan người Séc nào cả”. Các nỗ lực lần tìm về nơi sinh, trường học cũ theo lời khai của Phạm Thị Lan trong hồ sơ tranh giải cũng thất bại. Hồ sơ hộ tịch, hộ khẩu và danh sách cựu học sinh ở các trường này không có Phạm Thị Lan - Lenka sinh năm 1990. Việc tìm kiếm cha mẹ cô cũng bất thành, vì có tin trên báo chí cho biết cha mẹ cô đã chuyển qua Mỹ. Đại sứ Séc tại Malaysia là Jan Fury đã gửi thư mời Phạm Thị Lan để được “gặp tài năng trẻ” nhưng rốt cuộc chẳng có hồi âm.

Một điểm nữa khiến người ta nghi ngờ về Phạm Thị Lan là bởi trong sách, có những đoạn miêu tả tập quán của người Việt Nam không đúng. Có lẽ tác giả là một người rành về Việt Nam nhưng không am hiểu hết phong tục của người Việt. Ban đầu cộng đồng người Việt tại Séc cũng thấy “gờn gợn”, nhưng sự hào hứng đã lấn át chút gợn sóng nghi ngờ bé nhỏ đó.

Còn một bằng chứng khác có tính khoa học hơn. Đó là tạp chí Respekt đã nhờ một chuyên gia máy tính đến xác minh địa chỉ IP của các thư điện tử mà tác giả khẳng định là gửi từ Malaysia. Khi kiểm tra thì người ta phát hiện ra rằng IP này là của Séc, không phải từ quốc gia Đông Nam Á.

“Tôi là tác giả!”

Không phải Phạm Thị Lan - Lenka hay người gốc Việt trẻ tuổi nào, “tôi” ở đây là nhà văn Jan Cempírek, một người Séc 39 tuổi sống tại thành phố Ceské Budejovice. Hồi cuối tuần qua, Cempírek đã xuất đầu lộ diện và khẳng định mình là tác giả của Ngựa trắng, Rồng vàng. Sau đó, hầu hết báo chí tại Séc đều khẳng định Cempírek chính là tác giả chứ không phải là một cô Phạm Thị Lan xinh đẹp từng mang lại niềm tự hào cho cộng đồng Việt. Anh này nói rằng mình đã sử dụng tên Phạm Thị Lan để dự thi.

Vào đầu tuần này, báo Lidové đăng cuộc phỏng vấn Cempírek. Khi được hỏi: “Ông đúng là tác giả cuốn sách chứ?”, Cempírek đáp ngay: “Đúng, tôi muốn khẳng định rằng cuốn Ngựa trắng, Rồng vàng là do tôi viết. Tôi muốn nhắc nhở đến sự chung sống của cộng đồng người Việt với người Séc. Tôi cũng muốn tìm hiểu xem bạn đọc và nhà xuất bản sẽ phản ứng thế nào...”.

Trước bình luận của báo chí rằng bằng cách mạo danh một người Việt, Cempírek sẽ dễ dàng đoạt giải hơn, nhà văn chơi khăm này nói rằng anh ta không nghĩ rằng mình sẽ đoạt giải, và mục đích của cú lừa này cũng không phải vì muốn tăng cơ hội đoạt giải.

Thế còn cô gái xinh đẹp với nụ cười rạng rỡ mà báo chí đăng bấy lâu nay là ai? Cempírek chưa tiết lộ cũng như chính bản thân cô gái đó chưa lên tiếng nên vẫn chưa có câu trả lời. Còn riêng Cempírek thì cho biết anh ta sẽ tiếp tục trò chơi. Cụ thể là sắp tới anh ta sẽ cho ra một loạt bài viết kể về vụ chơi khăm.

Vụ Ngựa trắng, Rồng vàng quả là hết sức ngoạn mục cho nên có thể sẽ có thêm tình tiết mới. Biết đâu lại bất ngờ xuất hiện một cô Phạm Thị Lan - Lenka nào đó thì sao. Văn chương quả là ly kỳ!

Theo Châu Minh Linh- Nguồn: TNO


Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo