Séc-Slovakia

Bố mẹ đánh con chỉ tạo thêm khoảng cách thế hệ

Cập nhật lúc 28-11-2010 09:53:13 (GMT+1)
(Ảnh minh họa. Nguồn: internet)

 

90% giới trẻ Việt tại Séc trả lời có khi được hỏi về hình phạt thân thể khi còn nhỏ. Bạo lực ở nhiều gia đình vẫn được coi như chuyện đương nhiên trong khi ở phần lớn các nước châu Âu đó là hành động phạm tội. “Yêu cho roi cho vọt“ là cách dạy con lỗi thời.


Ăn đủ 50 roi

Lê đi dạy thêm cho con trai của một gia đình khá giả. Thằng nhóc tính ra đang học lớp 8 của một trường chuyên được cộng đồng đồn tốt nhất nhì Praha. Ngoan, lễ phép nhưng lười, học với chị một dạo thì nhóc đã biết nghe lời chép bài đầy đủ, không có gì khả nghi, vậy mà đến hôm đi họp bố mẹ mới phát hiện ra thằng nhóc nói dối cả chị gia sư lẫn bố mẹ. Mấy bài kiểm tra toàn bị điểm 5. Phụ huynh cho cậu ấm một trận nhừ tử, cấm đi đâu chỉ ở nhà học, bao dụng cụ thể thao đắt tiền đều bị bẻ gãy hết. Bố ra điều kiện, nếu từ giờ được điểm 3 thôi cũng ăn đủ 50 roi. “Thằng bé sợ bố nó quá, thế nên bị điểm kém cũng dối chị,“ Lê tâm sự rằng không dám dạy nữa.

choi

Con thân với ông bà già Tây hơn.

Quá là quá

Ăn cơm với bố mẹ nhóc mỗi lần dạy học xong, Lê biết các bậc phụ huynh không phải là những người tàn nhẫn, chỉ quá yêu con mà thôi. Nhưng trong tiếng Séc có câu nói “cái gì quá đều là quá“, ý nói gì cũng nên có chừng mực. “Cô ấy bảo mỗi lần đi họp cho con về đều đau hết tim, chẳng biết làm gì với cậu ấm nữa,“ Lê thở dài thay mẹ của học trò. Yêu con thế nhưng giữa bố mẹ và các con hình như không có tiếng nói, họ lí giải do bận công việc và rào cản ngôn ngữ. Từ ngày Lê nhận dạy thêm, chị gia sư trở thành cầu nối giữa hai bên, nhưng đợt này thằng nhóc có vấn đề ở lớp, bị điểm kém nên sợ quá, dối cả Lê luôn, giữa họ chỉ còn cô giáo, nhà trường và những trận roi vọt.

Bản thân đứa trẻ bị điểm kém đã lo sợ suốt cả tuần, thậm chí cả tháng trước khi có cuộc họp. Bề ngoài nó nói dối rằng mọi chuyện vẫn tốt đẹp nhưng bên trong tim đập thình thịch, không còn tâm trí cho chuyện gì khác nói gì là học. Bố đi họp về thì cái sự “sợ“ phải lên tới tột đỉnh, vậy mà nhiều phụ huynh vẫn yêu quá rồi cứ trút giận, đánh, mắng con. Bởi sợ đau, trẻ nhỏ sẽ làm mọi thứ để không bị đánh (nói dối chẳng hạn) nhưng chưa chắc đã vì bản thân muốn làm điều mà bố mẹ chúng muốn. Và chúng có biết bố mẹ muốn gì không?

Roi vọt nhiều phản tác dụng

Lê và những người cùng tuổi phần lớn đều đã trải qua những trận roi vọt ấy. “Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu mình đã từng bị đánh vì lỗi lầm gì, lúc đau khóc thì làm sao hiểu được,“ đó là ý kiến của số đông. Hình phạt thân thể đã quá quen với nhiều thế hệ, họ lại làm thế với thế hệ tiếp theo mà không nghĩ rằng khoảng cách giữa hai thế hệ là ít nhất 20 năm. Một bạn trẻ trong giờ giáo dục công dân về bạo lực gia đình nhớ lại: “Việc mẹ không nói chuyện với tôi là hình phạt nặng hơn nhiều so với việc mẹ đánh. Tôi vẫn tự hỏi mẹ đã hết yêu tôi rồi chăng.“ Phần lớn giới trẻ cho rằng roi vọt chỉ có hiệu lực đến năm 10 tuổi, sau đó phản tác dụng.

Một câu chuyện kể thời phong kiến, khi người ta mang một thằng ăn cắp đến trước mặt vua. Hắn biết mình phạm tội, co rúm người lại nhỏ bé và thấp hèn trước một vua oai phong, lẫm liệt. Ông vua có thể chặt tay hoặc xử trảm hắn để khẳng định uy quyền, nhưng không, ông chỉ hỏi tội rồi thả tên ăn cắp đi. Có quyền sát sinh nhưng không làm điều đó mà ban ơn cho kẻ phạm tội biết lỗi, biết ban ơn mới là quyền lực.

Trong nhà cũng vậy thôi, mỗi gia đình là một đất nước thu nhỏ hãy đặt ra luật chơi mà ai cũng phải tuân hành, ngược lại sẽ chịu phạt. Luật chơi không được cực đoan mà nên công bằng cho mọi người. Một số bố mẹ đánh con cho hả giận, đập phá đồ dùng rồi đến khi nguôi ngoai lại mua mới, đó là luật gì?

Chúng ta đang dạy một thế hệ biết sợ mà hệ quả của nó là bệnh nói dối. Sợ có đồng nghĩa với yêu thương?

Nghiêm Trang - vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo