Séc-Slovakia

Ai mua và bán chợ không (2): Những chuyện lạ chỉ thấy ở bên 'Tây'

Cập nhật lúc 10-04-2012 15:00:15 (GMT+1)
Đêm Praha (Nguồn: internet)

 

Mùa hè ở Séc ngày rất dài. Nhiều hôm tới 21 giờ đêm trời vẫn còn sáng như có nắng. Và cũng cho tới giờ ấy người ta mới hẹn nhau đi ăn tối, đi chơi. Các quán Bar và Night Club (hộp đêm) mở cửa cho tới sáng...


Người Séc ít quan tâm tới chính trị. Trong quán bia, chúng tôi đã có dịp trao đổi rất cởi mở với nhiều thương gia, công chức và thường dân. Họ cho biết: Ai làm Tổng Thống, Thủ Tướng hay Bộ trưởng... cũng không quan trọng. Trong quan niệm của người dân Séc thì Tổng thống cũng chỉ là một... nghề đặc biệt. Ai làm Tổng thống cũng được, miễn là phải lãnh đạo đất nước phát triển và tiến lên... Dịp này, Cộng hòa Séc sắp có bầu cử. Các cuộc vận động tranh cử diễn ra khắp nơi, dưới nhiều hình thức. Dọc đường quốc lộ chúng tôi đi qua có rất nhiều pano quảng cáo vẽ chân dung các chính khách. Pano của ông Stannislav Gross. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cộng hòa Séc được vẽ rất đẹp, có dòng chữ tạm dịch là "Tôi luôn ở bên các bạn". Đây là một trong những vị bộ trưởng trẻ nhất trong Chính phủ Cộng hòa Séc hiện nay. Ông sinh năm 1969, đã có vợ và một con gái. Với khuôn mặt đẹp trai, nụ cười cởi mở, dễ gần, các sống giản dị, được dân chúng yêu mến... sau ông là hình ảnh một gia đình hạnh phúc... Có lẽ, các củ tri Cộng hòa Séc sẽ rất khó từ chối bỏ phiếu cho ông.

Tại Cộng hòa Séc, 8- 9 giờ các công sở, văn phòng giao dịch mới bắt đầu làm việc, các nhà hàng ăn uống thì phải 11 giờ trưa mới đón khách. Buổi sáng, nếu không ở khách sạn, thì dù có đi khắp thủ đô Praha, bạn cũng sẽ không thể tìm nổi một quán ăn sáng nào để lót dạ như ở các thành phố thị xã của Việt Nam. Người Séc thường ăn sáng rất đơn giản ở nhà. Buổi trưa, các công sở, văn phòng giao dịch chỉ nghỉ ba mươi phút cho nhân viên của mình ăn nhanh, rồi lại tiếp tục làm việc ngay. Công chức ở xứ này không có khái niệm " ngủ trưa" như  ở Việt Nam. Những ngày nghỉ cuối tuần được đặc biệt tôn trọng. Nhiều khi có việc cần làm thêm ngày thứ Bảy, hoặc Chủ Nhật, dù trả lương cao gấp ba, bốn lần bình thường nhưng nhiều người vẫn không chấp nhận.

Các phương tiện liên lạc hiện đại như internet, điện thoại di động ở Cộng Hòa Séc được Nhà nước quan tâmđầu tư, nên có giá cước rất rẻ. Hầu như các sinh viên đại học, thậm chí cả học sinh phổ thông trung học ở Séc đều sử dụng điện thoại cầm tay. Họ coi đó đơn giản chỉ là một phương tiện thông tin liên lạc, chứ không phải là thứ "trang sức",  hay thước đo cho sự... " sành điệu"  như một số ít giới trẻ Việt Nam quan niệm. Một chuyện khó tin là: Nếu ở Cộng hòa Séc muốn gọi điện về Việt Nam thì cùng thời gian, bạn phải trả một khoản cước phí cao gấp hơn ba lần gọi về Trung Quốc (!). Ví dụ, một bảng giá cước dịch vụ điện thoại được niêm yết công khai tại một Trung tâm thương mại: Gọi về Việt Nam 24 korun?/phút; gọi về Trung Quốc: 7,5 korun/phút... Không hiểu, Ngành Viễn thông Việt Nam sẽ giải thích thế nào về sự chênh lệch giá như vậy?

Ngôi nhà khiêu vũ tại Praha

Cũng giống như nhiều nước châu Âu khác, cá thành phố của Cộng hòa Séc tràn ngập ô tô. Hầu như  gia đình nào cũng có một, hai chiếc ô tô các loại. Giờ làm việc, từng hàng xe đỗ kín hai bên đường theo một quy định nghiêm ngặt. ( Nếu đỗ sai, cảnh sát sẽ lập tức xuất hiện khóa bánh xe, hoặc cẩu xe của bạn mang đi, tiền chuộc và phạt sẽ rất nặng). Có việc vào trung tâm thành phố, nhiều người phải đi lòng vòng hàng giờ mà không tìm được chỗ đỗ xe. Nơi đỗ ô tô là một vấn đề nan giải của nhiều gia đình người dân Séc. Bởi không phải nhà ai cũng có gara riêng. Mà nạn trộm xe hơi ở xứ này thì ngày càng trầm trọng. Mặc dù đã có nhiều biện pháp bảo vệ như lắp thêm khóa kẹp vô lăng (trông rất chướng, vì nó to như cái búa chim, nằm chềnh ềnh trước tay lái!), lắp hệ thống còi báo động, tháo cả hộp radio cassette cất vào cốp, khi nào cần mới lấy ra sử dụng...nhưng trong thực tế thì số xe bị "làm thịt" vẫn ngày càng nhiều. Theo một con số thống kê của cảnh sát thì riêng trong năm 2001, cả nước này đã có tới hơn 35.000 chiếc xe đủ loại bị bọn trộm làm mất tăm. Những chiếc xe đẹp và chủ xe là người nước ngoài (trong đó có người Việt Nam ) là đối tượng mà bọn trộm thường nhằm vào. Có đến ba phần tư số người Việt ở Séc sau khi mua ô tô đã bị mất xe mà không biết kêu ai. Nhiều xe đẹp chỉ vì quên tháo hộp radio-cassette, đã bị bọn trộm đập vỡ kính lấy cắp đồ. Đầu năm 2002, Cảnh sát Séc đã tóm được một đường dây trộm xe quốc tế với hàng chục tên "cao thủ", nhưng số xe hơi bị mất cắp sau đó xem chừng vẫn không hề giảm...

Cũng do thành phố quá nhiều ô tô nên như một số nước châu Âu khác, mặc dù Luật giao thông ở Cộng hòa Séc không cấm bóp còi nhưng các lái xe chỉ sử dụng nó trong trường hợp thật đặc biệt, bởi còi xe hơi trong thành phố được coi như hành động...  thiếu văn hóa. Nếu không phải là xe cấp cứu, xe cảnh sát đang làm nhiệm vụ đặc biệt... thì khi thấy tiếng còi, nhiều người đi đường sẽ nhăn mặt khó chịu quát lên:" Mày là thằng điên à!"

Một quy định bắt buộc của cảnh sát Séc: trong suốt mùa đông ban ngày các ô tô chạy trên đường đều phải... bật đèn, cho dù ngày đó trời đang nắng chang chang. Nếu ai không chấp hành sẽ bị phạt rất nặng. Người ta giải thích: Nếu tất cả các lái xe cùng bật đèn mà có một người không thì sẽ rất dễ xảy ra tai nạn... Thói quen để đèn chạy ban ngày đã khiến cho nhiều lái xe đi trên đường phố Praha vào mùa hè cũng đề đèn cho an toàn.

Tàu điện ngầm và xe buýt điện là những phương tiện giao thông công cộng được nhiều người ở Séc ưa dùng.

Buổi sáng sớm, các tuyến tàu điện ngầm thường chật cứng người. Họ là sinh viên đến trường, công chức tới nhiệm sở... và những người già. Các cụ ông và cụ bà thường ngồi kín các hàng ghế. Đã nghỉ hưu, trợ cấp xã hội đủ ăn, mỗi buổi sáng, dù không có việc gì, các cụ cũng rủ nhau lên tàu điện để ra công viên, quảng trường, bờ sông... trò chuyện với nhau cho đỡ buồn. Nhiều người còn mang theo các mẩu bánh mỳ và thức ăn thừa hôm trước để cho chim và cá ăn...

Mùa đông ở Séc nhiệt độ xuống dưới không, tuyết phủ trắng mặt đất. Nhưng mùa hè nhiều hôm ngoài trời có thể nóng tới 32 độ. Tuy nhiên, khách du lịch ở xứ nóng đến Séc rất ngạc nhiên vì hầu như chẳng có khách sản, công sở nào ở Praha có trang bị máy điều hòa nhiệt độ không khí. Việc sử dụng quạt điện cũng thật hạn hữu. Người ta giải thích rằng đấy là do thoi quen sinh hoạt của người dân; với lại, dù ban ngày ở Praha có nóng đén đâu thì ban đêm khi ngủ bạn vẫn phải dắp chăn... Thêm nữa, mặc dù Séc là nươc du lịch, nhưng phòng vệ sinh của các khách sạn ở đây không hề để sẵn xà phòng tắm, lược, bàn chải đánh răng...( thì ra, dân châu Âu đi đâu họ cũng quen mang theo hành lý những thứ đó).  Khách từ châu Á mới sang ai cũng cứ tưởng có sẵn, nhưng khi muốn xài thì đành phải tới...siêu thị mà mua.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Cộng hòa Séc chẳng riêng gì khí hậu tuyệt vời mà đất đai cúng tươi tốt. Cho dù chỉ có 4,5% lãnh thổ là đồng bằng, còn lại là núi, đồi và cao nguyên... nhưng ở Séc không hề cói núi chết và đồi trọc. Vừa ra khỏi trung tâm thành phố, bạn đã gặp những cánh rừng thưa và bạt ngàn cây xanh..

> Ai mua và bán chợ không?

Đặng Vương Hưng

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo