Séc-Slovakia

Ai mua và bán chợ không (12): Luật rừng và cái chết của Dũng híp

Cập nhật lúc 26-04-2012 22:00:12 (GMT+1)

 

Được biết, trong tất cả các cuộc họp của Hội người VN tại CH Séc thời gian gần đây, vấn đề an ninh cộng đồng bao giờ cũng được nhắc đến và là một nội dung quan trong. 


Những năm qua, đại đa số những người VN đang làm ăn sinh sống tại CH Séc đều chấp hành tốt luật pháp của nước bạn. Chính phủ CH Séc cũng đã dành cho cộng đồng người VN một chính sách nhất quán, không phân biệt đối xử, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ làm ăn sinh sống...

Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung về kinh tế - xã hội trong sự chuyển đổi chính trị thời kỳ „hậu Liên Xô“ , với cơ chế thị trường, nhiều người Việt đã không có công ăn việc làm ổn định, dẫn đến tình trạng nghiện hút ma túy và phạm tội tăng lên. Trong khi đó, nhiều vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh cộng đồng người Việt đã không được cơ quan bảo vệ pháp luật của cả phía bạn và VN quan tâm giải quyết đúng mức và dứt điểm. Cá biệt có những vụ đã xác định được thủ phạm, nhưng chúng vẫn nhởn nhơ, không bị xét xử và trừng trị. Điều đó đã ảnh hưởng và gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho cả cộng đồng. Tạo hình ảnh xấu và ấn tượng không tốt về người VN ở nước ngoài...

Cũng phải nói rằng về phía Cảnh sát CH Séc, khi can thiệp và xử lý những vấn đề tội phạm của cộng đồng người Việt, họ không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định do nhiều yếu tố khách quan. Trước tiên, là hầu hết nhười Việt đều có tâm lý sống khép kín, an phận, ngại làm nhân chứng trước pháp luật, vì sợ bị trả thù. Ngôn ngữ bất đồng, văn hóa khác nhau cũng đã tạo nên hàng rào ngăn cản việc cung cấp các nguồn thông tin và sự hợp tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm. Thêm nữa, những cơ quan thực thi pháp luật của bạn cũng có quá nhiều việc phải làm khi xã hội chuyển đổi và du nhập lối sống tự do Tây Âu... Do vị trí địa lý và đặc điểm xã hội, CH Séc được coi như một Trung tâm của Châu Âu, là Miền đất hứa của giới giang hồ và bọn tội phạm quốc tế... Các đối tương tội phạm là người nước ngoài, trong đó có VN  còn bị xem nhẹ. Bởi vậy, dư luận bà con cộng đồng người Việt cho rằng: Nếu vụ việc tương tự như nổ mìn đốt chợ Libuš, làm thiệt hại nhiều triệu USD mà xảy ra ở VN, thì chỉ trong một hai tháng, Công an sẽ tìm ra ngay thủ phạm, va bọn chúng sẽ bị trừng trị thích đáng đúng người đúng tội. Còn ở nước ngoài thì nhiều khi nhà chức trách chỉ biết vậy và... để đấy, không dẹp chợ của Việt cũng là tốt lắm rồi.

Và một quy luật xã hội dễ thấy ở mọi nơi trên thế giới: Thường những nơi mà Cảnh sát không với tới, luật pháp không có hiệu lực thực tế, thì người ta buộc phải cư xử với nhau theo kiểu... „luật rừng“.

Hầu hết các chợ của người Việt ở CH Séc đều có một đối tượng khá đặc biệt mà tiếng lóng của „dân chợ“ gọi là „bộ đội“. Đó là những người „chẳng còn gì để mất“: Họ không có giấy tờ tùy thân, ( thường theo giấy tờ giả), không có công ăn việc làm, dặt dẹo, lang thang, phần lớn đều bị nghiện hút. Những đối tượng này sống nhờ nghề đánh bạc, đòi nợ thuê, bảo kê ngân hàng, sân bãi đỗ xe... Họ sẵn sàng „đâm thuê chém mướn“ và thậm chí cả giết người khi được trả tiền hậu hĩnh.

Một đêm cưới tháng 7-2002, trong khi đang „thư giãn“ trong một quán karaoke, chiêu đãi một „ chiến hữu“ vừa ngồi tù ra, Lương Hữu Dũng (còn gọi là Dũng „híp“), đã bị một kẻ bịt mặt rút súng bắn trọng thương. Một nhân chứng kể lại: Hung thủ đã bắt mọi người úp mặt xuống bàn, lột hết tiền bạc, điện thoại di động và đồ trang sức cà nhân cho hắn... Sau khi trấn lột xong gần chục người khách có mặt trong phòng hát, thì chiếc catset chạy hết băng; kẻ bịt mặt còn lạnh lùng tự tua lại băng, vặn cho âm thanh to hơn... thấy Dũng „híp“ chưa chết hẳn, hắn còn bắn tiếp một phát nữa, rồi mới biến mất vào đêm tối...

Dũng „híp“ là ai, mà bị giết hại dã man như vậy? Anh ta là một trong bốn „thủ lĩnh“ của Trung tâm Thương mại Bokave. Nghe nói, nhân vật này đã có hai tiền án, tiền sự ( về tội lừa đảo và giả mạo giấy tớ). Ra tù được khoảng nửa năm, Dũng tham gia vào chợ Bokave, khi đó còn hoạt động đầy khó khăn. Có tin đồn rằng nhờ „ chiến tích đẹp loạn“ ma Dũng „híp“ nhanh chóng trở thành một „VIP“ của Bokave. Với bản lĩnh và lạnh lùng, Dũng được giao điều hành dân anh chị và „bộ đội“ trong địa bàn này. Trước khi bị sát hại, nghe nói Dũng „híp“ đã có trong tay hai sòng bác (một ở miền bắc của CH Séc, còn một ở ngay trong chợ Bokave).

Ban lãnh đạo Bokave hiện nay vốn là „liên minh“ giữa các chủ chợ Libuš đã bị cháy và chợ Bokave cũ. Họ tuy bằng mặt, nhưng chưa bao giờ bằng lòng nhau. Các chủ chợ Libuš vẫn chưa quên mối hận cháy chợ, dù họ phải chấp nhận „liên minh“ cũng chỉ vì miếng cơm manh áo và như một việc làm bất đắc dĩ mà thôi. Cho đến nay, câu hỏi về thủ phạm vụ đốt chợ Libuš vẫn còn treo lơ lửng chưa được công bố. Ngay sau khi Dũng „híp“ bị sát hại, có tin đồn rằng chính anh ta là thủ phạm đốt chợ Libuš năm xưa (!?). Người ta còn gán cho Dũng „híp“ nhiều tội nữa, chỉ bởi một điều: Anh ta đã chết, nên không thể cãi lại được!

Và cũng chẳng có tòa án nào lại đi xử một người đã chết, nên dù có phải là thủ phạm tày trời đã đốt chợ Libuš hay không, thì Dũng „híp“ cũng... „thoát tội“. Nhưng người ta lại lo rằng anh ta có thể biến thành một thứ „thùng rác“ để chứa đựng mọi tội lỗi cho những kể xấu đang còn sống.

Cái chết của Dũng „híp “ đã gây chấn động cả thủ đô Praha của CH Séc, nhất là trong cộng đồng người Việt. Liệu hung thủ chỉ giết người để cướp tiền bạc hay đây là một cuộc thanh toán theo kiểu „ân oán giang hồ“ của xã hội đen? Dù sao thì kẻ giết người giấu mặt đó cũng đã ngang nhiên thách thức luật pháp và dư luận của cả CH Séc và VN! Đe dọa nghiêm trọng đến an ninh cộng đồng, tạo tâm lý bất ổn, lo sợ cho những người Việt đang làm ăn sinh sống tại nước ngoài, đặc biệt là ở CH Séc.

Thay cho đoạn kết!

Như chúng tôi đã trình bày ở trên: Chuyện mua và bán chợ là việc của các ông chủ giàu có. Ai đúng và ai sai bạn đọc hẳn đã thấy và có quyền phán xét theo cach riêng của mỗi người. Nhưng còn quyền lợi của „dân chợ“, nghĩa là thiệt hại của bà con cộng đồng người Việt đã và đang làm ăn sinh sống tại chợ Libuš trước đây, hay chợ Bokave hiện nay... thì sao đây?

Sự quyết định thành hay bại của mỗi Trung tâm Thương mại  ở CH Séc, suy cho cùng không phải la các doanh nghiệp cổ đông... mà chính là lực lượng „dân chợ“ . Nếu ông chủ chợ nào được bà con „dân chợ“ ủng hộ, thì họ sẽ thành công.

Vậy mà Ban điều hành Trung tâm Thương Mại Bokave sau  khi thực hiện thành công vụ „bán chợ“, rồi lại „cướp chợ“ kể trên, còn lợi dụng giấy vay lãi cá nhân 50 triệu korun để đòi xiết nợ, phát  tài sản của Công ty Cổ phần Saparia theo „Biên bản cưỡng chế“ đã được dàn dựng sẵn. Hơn thế nữa, họ còn dọa sẽ xử theo „luật rừng“ với những thành viên của Trung Tâm Thương Mại Sapa, khiến cho dư luận cộng đồng người Việt ở CH Séc hết sức bất bình.

Gần một năm đã trôi qua, mặc dù Đại Sứ Quán VN và các Hội đoàn thế của Cộng đồng người Việt tại CH Séc đã họp nhiều lần, gửi nhiều văn bản tới các cấp các ngành trong nước, đề nghị can thiệp giúp đỡ lấy lại tài sản bị chiếm đoạt... nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo thông tin của ông Trịnh Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Saparia cho biết: Tháng 8-2002 Cảnh sát Praha và Tòa án quận Praha 4 đã ra quyết định khởi tố Đặng Duy Hải, Nguyễn Thanh Hương và Vũ Thành Luân với tội danh „lừa đảo“. (Riêng Lương Hữu Dũng, tức Dũng „híp“ đã bị bắn chết, nên được miễn truy tố). Ông Dũng còn cho hay: Nguyễn Thanh Hương và Đặng Duy Hải đã bị bắt. Riêng Vũ Thành Luân trốn thoát và cảnh sát CH Séc đã ra lệnh truy nã toàn quốc...

 Về phía VN, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Dư luận cộng đồng người Việt ở nước ngoài đều mong muốn vụ việc sẽ được di lý về VN xét xử để bảo đảm sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Hy vọng công dân VN dù ở đâu, thì quyền lợi hợp pháp của họ cũng sẽ được pháp luật VN bảo vệ.

> Ai mua và bán chợ không?

Đặng Vương Hưng

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo