Liên bang Đức

Trên đất Đức có một gánh hát dân gian Việt quẩy bước

Cập nhật lúc 23-01-2016 15:45:48 (GMT+1)
Gánh hát Dân gian dẫn đầu diễu hành của cộng đồng 200 nước tại thành phố Frankfurt/Main tháng 6-2014.

 

Cái tên Gánh hát Dân gian mấy năm nay đã lưu lại trong tình cảm cộng đồng Việt và nhiều sắc dân tại Đức, nhất là đại đô thị Frankfurt/Main và vùng phụ cận.


Logo Gánh Hát Dân Gian.

Thật dễ hiểu. Trong tâm can người Việt Nam tự xa xưa cho đến thập niên 60 thế kỷ trước, những gánh hát đã từng làm nên tụ điểm văn hóa lưu động hấp dẫn cho mọi miền làng xã. Như lời thơ Nguyễn Bính năm nao:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

 Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay”.

Giữa cuộc sống bươn chải của người Việt xa xứ, thật là ấn tượng khi có sự hồi sinh, dù còn bé nhỏ, một loại sân khấu ca-múa-nhạc giản đơn và đằm thằm tình tự dân tộc như thế.

*

Tên đầy đủ là Gánh hát Dân gian Ở Châu Âu (tiếng Đức: Viet-Volkstanzensemble; tiếng Anh: Viet-Folk Dance Ensemble), nhóm văn nghệ nghiệp dư với “quân chủ lực” tuyền là phụ nữ và nhi đồng này được thành lập chính thức vào dịp xuân Giáp Ngọ 2014.

Riêng trong năm 2017, từ chùa Phật Huệ đến Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt, từ trường tiếng Việt Offenbach đến Sở thanh thiếu niên thành phố Offenbach - các khán giả được biết tới 17 buổi trình diễn ca múa nhạc truyền thống Việt. Tức là cứ non tháng thì cả một “bầu đoàn thê tử” sôi động và nhí nhảnh lại quẩy bước lên đường…

Tất cả 9 buổi cho cộng đồng Việt, 8 buổi cho cộng đồng Đức và nước ngoài, bất cứ ở đâu các tiết mục đều được khán giả vỗ tay yêu cầu diễn lại. Ở nhiều buổi chương trình của đoàn “bị” xếp cuối cùng, vì dân tình già trẻ chưa xem gánh hát là chưa chịu về.

Chất dân tộc và tính quốc tế hiện ra ở mỗi người trong đoàn. Với hơn 30 thành viên và hơn 10 cộng tác viên, Gánh hát Dân gian được làm nên từ 5 gia đình “vợ Đông chồng Tây” đủ kiểu của các sắc dân Việt, Đức, Syria, Trung, Nga… Số thành viên độc thân là các bạn sinh viên Việt du học tại Đức. “Ông chủ gánh hát” tên là Nabil, người Syria, và đảm trách kỹ thuật cho các màn diễn vì kỹ sư cơ khí vốn là “nghề của chàng”. Từng là công nhân người Việt gốc Hoa, nay chị Hồ Tuệ Chân không chỉ là giám đốc kiêm chăm sóc “hầu bao” cho nhóm mà còn gánh luôn vai cố vấn nghệ thuật.

Đúng vào ngày mừng Tết Giáp Ngọ, Gánh hát Dân gian trình làng buổi diễn đầu đời bằng tiết mục múa Trống cơm. Tiếng trống linh thiêng nằm lòng người Việt chúng ta hôm đó sao mà tác động mạnh đến thế, tới cả người Đức và người các dân tộc khác! Từng làm giáo viên tiếng Anh cấp III ở Hà Nội, Đỗ Thị Mai Tuyến là người tổ chức kế hoạch và viết kịch bản cho đoàn. Chị viết trong nhật ký: “Tôi hỏi một người Đức gốc Phi về cảm tưởng đầu tiên khi xem màn diễn trống cơm. Anh ấy đáp: Hay! Tôi không tin. Hỏi lại có thật không. Anh ấy nói ngay: Xúc động đến nổi cả gai ốc!”

*

Ziyang 13 tuổi, Minh Anh 10 tuổi, cặp chị em sinh đôi Thùy My - Huy Hoàng 10 tuổi, Tukay 7 tuổi…  Vâng, có đến 10 “diễn viên nhí” trai gái. Các cháu chính là linh hồn và cũng là động lực để cả đoàn dốc sức dốc lòng. Đưa con em đi dã ngoại để vui chơi đã là một sự công phu của biết bao nhiêu người lớn, thầy cô. Lại còn “rồng rắn lên mây” đi trình diễn múa may đó đây, thì ngoài niềm vui thú vô biên là nỗi lo âu vô bờ bến. Nhất là ở các nước Âu - Tây, việc đảm bảo an toàn và sức khỏe của nhi đồng được coi như bất khả kháng. Bạn yên tâm. Trong hồ sơ của Gánh hát Dân gian, “job” Quản lý trẻ em khi biểu diễn (Kinderbetreuung) thuộc về Nguyễn Thị Hương Xuân - người mẹ của cậu con trai là diễn viên trẻ nhất với 15 tháng tuổi.

Khỏi nói... Những tiết mục của các diễn viên nhí luôn là tâm điểm. Đó là màn múa Đi cấy theo dân ca Thanh Hóa khi các bé gái nõn nà trong bộ yếm đào, váy đụp, vấn tóc đuôi gà, còn các bé trai trong bộ nâu đất. Kìa, vầng trăng to đùng theo điệu nhạc êm ái cứ giật giật đùa giỡn với các diễn viên nhí, với hàng trăm người lớn trẻ em chao đảo theo trong lễ phật đản tháng 5-2014 ở chùa Phật Huệ. Đó còn là màn múa hát Em đi trên cỏ non cùng hoạt cảnh về cuộc sống sông nước của nông dân sông Cửu Long với cầu khỉ, thuyền tre, cậu bé cỏn con ngồi bên sông thổi sáo, bên cạnh bé gái quạt nón khiến mấy cô bác khán giả Nam Bộ khóc luôn… tại trận!

*

Không ai trong đoàn từng được đào tạo chuyên môn về nghệ thuật. Vậy mà Gánh hát Dân gian đi được vào lòng người, len lỏi tới điểm sâu kín của kẻ xa quê hương đong đầy ký ức ấu thơ. Có thể nói tâm hồn nghệ thuật của đạo diễn Đặng Hương, tiến sĩ ngôn ngữ Trung Văn, đã đưa những điệu múa không chỉ đạt được sự sinh động của trào phúng dân gian, mà còn pha quyện vẻ hiện đại qua những bước nhảy rap. Bất kể người xem nào cũng có thể cảm nhận mà cười lên sảng khoái. Khi chúng tôi hỏi cách chọn đề tài biểu diễn, Đặng Hương đáp: “Vui tươi lạc quan và bản sắc văn hóa Việt là các tiêu chí cơ bản”.

Cô đạo diễn trẻ và năng động ấy cho biết rất khó chọn tiết mục hay nhất: “Mỗi buổi diễn là một lần trải nghiệm cảm xúc khác nhau, có thể là sự đồng điệu chan hòa trong cộng đồng người Việt. Nhưng cũng có thể là niềm tự hào trên sân khấu giao lưu quốc tế, khi mà lời ca điệu múa Việt được bạn bè các nước thích thú đón nhận. Tiếng vỗ tay từ khán giả dù giống nhau nhưng cảm xúc mỗi lần mỗi khác, mỗi người mỗi khác. Không dễ có thang điểm chung để đánh giá sự thành công, anh ạ.”

Có buổi, cả tốp diễn vừa bước xuống sân khấu đã được một câu lạc bộ trẻ người Maroc chuyên săn tìm chương trình đặc biệt từ các sắc dân ở Đức tìm đến nằng nặc đòi ký hợp đồng diễn cho gala cuối năm 2014. Theo dự tính, các điệu múa và chương trình diễn đã được chọn lựa cho… 5 năm tới! Dân ca Bắc - Trung - Nam đủ cả. Việc tập luyện cứ thế mà theo, song quyết định vẫn là chi phí cho trang phục, đạo cụ. Mà cũng không hẳn; nhiều khi còn là thời điểm.

Như màn múa nón áo dài Việt Nam quê hương tôi, bài tiêu biểu ca ngợi thắng cảnh Việt Nam đã được Tổng lãnh sự quán chọn biểu diễn quảng cáo du lịch trong Lễ hội hương sắc hè tháng 9-2014 tại Đức. Còn màn múa Lý cây đa lại được chọn diễn cho Lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác hữu nghị Việt - Đức ngày 28-3-2014. Khi đưa hai màn diễn lên truyền hình, người biên tập chương trình thổ lộ rằng, “Gánh hát Dân gian là nguồn khai thác của Đài VTV4 ở Đức.”

*

Là người sáng lập, Mai Tuyến say sưa kể cơ duyên ra đời Gánh hát Dân gian… Một câu chuyện dài và khúc khuỷu như với mọi nhóm đoàn văn nghệ tự lập từng có trên một thế gian không bằng phẳng này.

Mà đúng thật, duyên nhà Phật! Số là dịp lễ phật đản 2013, họ chỉ là vài người đến diễn cho chùa Phật Huệ với màn áo dài Tà áo em bay. Rồi cũng rơi tõm vào quên lãng. Khi hưng phấn, mấy gia đình lại tự tập múa trống cơm ở nhà riêng. Cho lũ nhóc cùng các bà các cô vui là chính. Chật chội, bữa đực bữa cái, nhạc chẳng ra nhạc... Không ai dám nghĩ tới một ngày leo lên sân khấu. Đến gần cuối năm, bỗng có hai cô cùng tròn 50 “mùa khoai sọ”. Một buổi sinh nhật kép được dự tính, thế là nảy ra cơ hội thực hành cho bõ năm ba buổi tập. Rồi tất cả như cơn gió nâng cánh diều Gánh hát Dân gian bay lên, bay lên…

Sau đó họ thỉnh thoảng lên chùa Phật Huệ, lân la chuyện nhà chuyện phật mà đến tai Sư bà. Và Bà bèn hoan hỉ mời, không những lên chùa tập cho đàng hoàng mà còn được ăn trưa, để kịp diễn đón Tết Nguyên Đán. Mọi sự được xếp đặt như dưới bàn tay Phật.

Một kế hoạch tập tành như nhà binh được 4-5 gia đình thực hiện vào mỗi chủ nhật lúc 10 giờ sáng. Khi ấy, đoàn vẫn mang tên Áo Dài Việt Nam theo như đề tài của tiết mục khai sinh và đó là ý tưởng của “ông chủ gánh hát” Nabil, cũng là ông xã Mai Tuyến. Của nhà làm được, Đỗ Việt Anh, người cháu từ Hà Thành đã có ngay món quà cho bà cô của mình khi tặng logo có tà áo vàng đỏ bay bay rất điệu. 

Trước một ngày của buổi diễn lần đầu với danh xưng chính thức Gánh hát Dân gian, người cháu lại gửi sang logo mới với cây đàn bầu đơn sơ mà trang trọng, chứa chan mà nâng giữ hồn Việt. (Tưởng cũng nên kể thêm, Boo-Bò Sữa của Đỗ Việt Anh - một công ty thời trang phục vụ giới trẻ đang nổi danh ở Việt Nam - chính là nơi đỡ đầu phần thiết sân khấu và trang phục cho gánh hát.) Bạn đọc sẽ hỏi sao lại có tên chân quê đến thế giữa thời a còng? Sự trăn trở của cả đoàn và Mai Tuyến có thể viết thành một truyện ngắn đấy! Xin hẹn dịp khác…

Khác với mẹ chồng mình là giám đốc Tuệ Chân trĩu nặng đôi vai gồng gánh đủ việc trong ngoài, cô cử nhân kinh tế Yến Ly thì “trĩu nặng đôi tai” của người phiên dịch chung cho đoàn. Và còn nhiều thành viên tuy không là “VIP” trước các sự vụ nhưng đều là không thể thay thế, bởi ai cũng có chức phận riêng trong một gánh hát hoàn toàn độc lập và tự phát. Như kỹ sư đường sắt người Đức Wolfgang, ông xã Đặng Hương; như kỹ sư Klaus người Đức có vợ Việt; như cặp đôi vợ kế toán Gulnur người Nga, chồng luật sư người Đức Magnus, v.v… Các thành viên còn lại dù là giáo viên, công nhân, sinh viên, nội trợ, ở nhà nuôi con nhưng họ đều nhiệt thành luyện tập và sẵn lòng biểu diễn vô vị lợi. Mọi người gặp nhau ở tình yêu văn hóa và âm nhạc dân gian Việt.

*

Hàng năm Gánh hát Dân gian đều gửi hồ sơ sinh hoạt lên Ủy ban văn hóa quốc tế Frankfurt, và nghiêm túc tham dự các phong trào, khóa học nghiệp vụ, seminar, workshop… Họ đã được Ủy ban tặng quỹ 500 euro cho năm 2015.

Nhiều ngôi chùa, cộng đồng Việt và quốc tế, các tổ chức ở Đức, trong và ngoài châu Âu đã mời cộng tác, đài thọ hoàn toàn cho các chuyến công diễn. Nhưng thật tiếc, gánh hát của chúng ta vẫn chưa một lần “khăn gói quả mướp” ra ngoài trung tâm nước Đức. Đâu có dễ dàng rinh cả một đại gia đình đàn sáo lích kích cùng con nít đàn bà đi xa! Phần vì, mới được hai tuổi, gánh hát chưa thể tìm ngay được một phương thức bài bản. Phần cũng bởi, như cô đạo diễn Hương tự nhận: “Cơm áo không đùa với khách thơ, dù tập và diễn với tinh thần thiện nguyện hầu như không thù lao, nhưng nhiều khi chuyện kiếm sống chiếm hết cả không gian hát hò nhảy múa.”

Còn Tuyến thì luôn mơ: “Sẽ có ngày cả hội em thành một gánh hát chuyên hoặc bán chuyên? Ít nhất là cộng tác với một tổ chức văn hóa biểu diễn của người Đức hay của người Việt, để chuyên môn hóa và chính quy hóa. Cụ thể và ngay bây giờ à? Em chỉ mong được hiệp hội  hay tổ chức nghiên cứu Quan họ Bắc Ninh đỡ đầu. Hay như, khi cần tìm hiểu trang phục dân tộc thiểu số thì hỏi hội đoàn nào cho nhanh gọn nhất?”

Ngoài tài trợ luôn là điều canh cánh, các hình thức giúp đỡ khác như trang phục (áo quần bà ba, quần áo nông dân, áo tứ thân, áo the khăn xếp...) và cố vấn ý tưởng từ các đoàn chuyên nghiệp, các vị đạo diễn về hưu yêu nghề yêu trẻ, đều là những mong ngóng thường thực của các anh chị em, các bạn, các cháu Gánh hát Dân gian.

Lòng đam mê vẫn bốc cháy, bởi họ có được thuận lợi quyết định. Đó là nhiệt tình nơi mỗi thành viên và sự ủng hộ chí công vô tư từ nhiều phía: gia đình, chùa Phật Huệ và cộng đồng Việt, truyền thông báo chí, Tổng lãnh sự quán, cùng bạn bè quốc tế…

*

Theo phương hướng “Tạo ra một sân chơi văn nghệ bổ ích và lành mạnh, đặc biệt cho thanh thiếu niên Việt Nam ở hải ngoại, để hướng về cội nguồn dân tộc” và mục đích “Gây dựng không khí đa văn hóa đặc sắc, hấp dẫn và thú vị cho bất cứ gia đình nào cũng có thể tham gia.”, chỉ qua hai mùa xuân Gánh hát Dân gian đã có thể xem như một dấu ấn đáng kể trong đời sống văn hóa Việt ở ngoài nước.

Đây thật sự là một gia đình quốc tế nho nhỏ được quyện lại từ các nguồn văn hóa Việt, văn hóa Trung, văn hóa Hồi… trên nền văn hóa Đức bằng làn điệu Việt.

Hy vọng, trong xuân Bính Thân được dư luận và bà con cô bác khắp nơi biết đến, Gánh hát Dân gian sẽ nhận về cơ duyên mới cho tuổi thứ ba của mình. Để thực hiện ước mong: cả gánh hát vợ chồng con cái bầu bạn sẽ “rồng rắn” về quê hương và biểu diễn dịp đầu xuân Đinh Dậu 2017.

Múa trống cơm bên cầu sông Main, sau khi diễu hành cùng cộng đồng 200 nước do Ủy ban văn hóa quốc tế Frankfurt/Main tổ chức, tháng 6-2014.

Các em bé múa Đi cấy tại lễ vu lan chùa Phật Huệ.

Múa áo dài dưới đài sen lễ phật đản chùa Phật Huệ tháng 5-2014.

Vancouver - giáp Tết Bính Thân 2016

Đỗ Ngọc gửi đăng


Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

  • #1 Đồ Gàn: Quẩy cái gì?

    24-01-2016 22:00

    Chả ai nói là quẩy bước cả. Chỉ có quảy gánh thôi.
    'Một gánh càn khôn quảy xuống ngàn,
    'Hỏi rằng chi đó. Gửi rằng than'.
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo