Liên bang Đức

Thư từ Đức : Chợ trời vui trở lại

Cập nhật lúc 07-08-2021 17:40:32 (GMT+1)

 

Bắt đầu từ tuần trước, khi 60% dân số Đức được tiêm phòng Covid-19, cuộc sống đang dần ổn định và chính quyền cho mở lại chợ trời để người dân được vui với sở thích của mình


Người Đức có một thói quen đặc biệt, đó là đi chợ trời.

Tôi không biết nó khởi nguồn bao lâu rồi nhưng từ khi sống ở đây, tôi thấy chợ trời có mặt khắp mọi nơi. Từ thành phố rộng lớn cho đến những làng quê yên bình, tĩnh lặng. Ăn sâu vào tiềm thức và tạo thành sở thích không thể thiếu của nhiều người.

Thói quen đó được sắp lịch sẵn, hằng tuần, hằng tháng, thường vào chủ nhật. Cứ đến hẹn lại lên như ngày phiên ở chợ ta vậy.

Hơn một năm qua, các chợ trời đóng cửa để chấp hành lệnh giãn cách. Nhưng bắt đầu từ tuần trước, khi 60% dân số Đức được tiêm phòng, cuộc sống đang dần ổn định dù dịch bệnh vẫn còn nhưng miễn dịch cộng đồng đã đạt hiệu quả. Chính quyền cho mở lại chợ để người dân được vui với sở thích của mình.

Chợ thường được tổ chức ở những nơi có bãi rộng và nhà đủ lớn để vừa bán trong nhà khi mùa đông tuyết giá vừa bán ngoài trời khi xuân, hạ, thu sang.

Tôi rất khâm phục đức tính chăm chỉ và tiết kiệm của người Đức dù họ được đánh giá là giàu có ở châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Người Đức luôn biết giữ gìn, nâng niu những đồ vật mình đã mua, cho dù có thích hay không thích. Đến một lúc nào đó họ gom hết chúng lại, cả đồ dùng rồi lẫn những đồ có khi chưa dùng hoặc chỉ xỏ vào một lần.

Họ đăng ký chỗ ngồi trong phiên chợ, khoảng 2-3 m tùy nhu cầu, sau đó bán lại cho người khác cần hơn. Tất nhiên với giá rất dễ chịu.

Người bán luôn phải chuẩn bị hàng và dậy từ rất sớm để ra lấy chỗ đẹp. Còn người mua, ai có nhu cầu muốn tìm món đồ nào đó cũng phải đi thật sớm, để lựa được thứ ưng ý.

Phiên chợ vào ngày nắng đẹp, sau một thời gian dài giãn cách, vui như hội, những khuôn mặt hồ hởi rạng rỡ. Xếp hàng, khử khuẩn, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang vẫn là những quy định bắt buộc trước khi vào cửa.

Ngay từ sáng sớm trên các sạp hay một vài cái bàn kê sát vào nhau, hàng hóa đã được bày biện tinh tươm. Vì là đồ gia đình mang ra bán nên rất đa dạng, thượng vàng hạ cám, chẳng thiếu thứ gì. Từ cái kim, sợi chỉ, quần áo, giày dép, đồ gia dụng cho đến những đồ đặc biệt, hiếm có khó tìm mà nếu may mắn bạn lại sở hữu được chúng trong phiên chợ này.

Đây là nơi những người sưu tập hay buôn đồ cổ thường tìm đến.

Cái cảm giác được đi ngắm và khám phá phiên chợ sau những ngày tháng mệt mỏi lo lắng vì bệnh tật, cũng là thú vui của nhiều người. Có khi bất chợt bạn gặp được chiếc đĩa nhạc từ lâu mình mong muốn hay món đồ trang sức hợp với bộ quần áo mình đang mặc.

Thời gian dịch bệnh triền miên khiến kinh tế Đức giảm sút, nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu. Việc tìm được một chiếc máy xay thịt, máy pha cà phê, một chiếc chảo chống dính, một đôi giày yêu thích... vẫn còn tốt với giá phải chăng rõ ràng là hợp lý trong mùa dịch bệnh.

 

Khi cái chân đã mỏi, cái gối đã chùn, bạn và gia đình có thể nghỉ ngơi bên những quầy xúc xích nướng thơm lừng, thưởng thức những chiếc bánh wafers nóng giòn cho một bữa trưa đơn giản.

Tôi cũng như bao người, sau bận rộn thường nhật, thỉnh thoảng cũng muốn ghé qua chợ để tìm cho mình những niềm vui nho nhỏ. Đôi khi vài ba quyển sách, quyển truyện cho cô con gái. Có lúc hộp xếp hình, hay bộ Lego cho cậu bé nhà tôi. May mắn, tôi có thể tìm được cho gia đình những đồ dùng còn mới nguyên với giá không tưởng.

Ở đây tôi gặp rất nhiều người quen, là khách hàng của mình. Họ chính là người bán, người mua, không kể giàu nghèo. Họ coi phiên chợ như một ngày tụ họp, nơi gặp gỡ giao lưu, nơi để người bán giải quyết được những thứ đồ tồn đọng trong gia đình mình một cách kinh tế nhất. Dù tôi biết, bán với giá một vài đồng, nếu trừ tiền thuê chỗ, chắc cũng chẳng được bao nhiêu. Nhưng trong lúc khó khăn này, một chút thôi cũng đáng quý.

Tôi có hỏi một người khách của mình, chị ngồi với cô con gái bên đống truyện cũ, đồ chơi và dăm ba bộ quần áo. Chị bảo đi cho vui em à, cả thời gian dài ở nhà buồn lắm, với lại để cho cháu bán đồ cũ của cháu lấy tiền bỏ ống, sắp đi học rồi. Tôi thấy niềm vui ánh lên trong mắt cô con gái nhỏ, khi tôi lấy mấy quyển truyện cho cháu.

Hạnh phúc là đó, tận cùng của giáo dục cũng là cho con trẻ thấy được giá trị và ý nghĩa của mỗi việc chúng làm. Trong kỳ nghỉ hè này, vì dịch bệnh cả nhà không đi nghỉ mát ở đâu, cách cùng trẻ em dọn dẹp tủ, lọc đồ cũ đem bán, cũng đem đến niềm vui và dạy cho con trẻ được nhiều kỹ năng sống. Có những thứ đối với người này là vô giá trị nhưng với người khác lại là món quà, là niềm vui khi được sở hữu. Trong khi cả thế giới vẫn còn gồng mình chống dịch thì việc chi tiêu sao cho thật hợp lý, vẫn là cách tốt nhất để phòng khi cơ nhỡ. 

Bài và ảnh: Trần Thủy
Nguồn: nld.com.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo