Liên bang Đức

Quá trình „Đức hóa“ của thế hệ thứ 2 người Việt

Cập nhật lúc 10-09-2017 04:44:01 (GMT+1)
Hải Yến, một người thuộc thế hệ thứ hai đã học nghề và mở cửa hàng thời trang tóc.

 

Sau khi nước Đức tái thống nhất năm 1990, cộng đồng người Việt ở Đông Đức bắt đầu hình thành và phát triển, lan dần sang một số bang miền Tây để làm ăn. Tới nay, sau 27 năm, thế hệ thứ hai của người Việt ở Đức, trong đó một số người được cha mẹ đón từ trong nước sang và đa phần được sinh ra và lớn lên ở Đức cũng đã đến tuổi trưởng thành và ổn định cuộc sống. Tư duy trong sinh hoạt và làm ăn cho thấy một quá trình „Đức hóa“ trong thế hệ thứ hai của người Việt  ở Đức.


Sau khi nước Đức thống nhất, đa phần người Việt trong diện „hợp tác lao động“ đã nhận 3.000 DM tiền bồi thường để về nước, chỉ có khoảng 20.000 người ở lại, đương đầu với một tương lai bất ổn là thất nghiệp, tiếng Đức kém và không biết có được ở lại lâu dài ở Đức hay không. Để kiếm sống, đa phần những người này đã học nhau, lao vào buôn bán từ những mặt hàng hợp pháp như quần áo, giầy dép, túi xách… cho tới những mặt bất hợp pháp như băng đĩa nhạc giả, thuốc lá lậu… Đây là một thời kỳ lộn xộn, nhưng lại „hái ra tiền“.

Cho tới năm 1993, Chính phủ Đức mới sửa đổi Luật ngoại kiều, cho phép công nhân hiệp định Việt Nam được quyền lưu trú hạn chế, mang tính nhân đạo là „Befugnis“, cho phép họ được hành nghề tự lập, nhưng chỉ ở các bang mới tại miền Đông. Giấy phép lưu trú này có thể được gia hạn, nếu người đó có thể tự kiếm sống, không phải dựa vào trợ cấp xã hội. Phải tới lần sửa đổi Luật ngoại kiều năm 1997, công nhân hiệp định Việt Nam mới chính thức có triển vọng được cư trú lâu dài trên nước Đức và được phép đưa gia đình sang theo diện „đoàn tụ gia đình“.

Trong quá trình đó, những công nhân hiệp định Việt Nam mới bất đắc dĩ trở thành những người bán hàng rong ở các chợ phiên, những tiểu thương, chủ nhà hàng ăn nhanh, chủ nhà hàng ăn lớn… Tới nay, những cửa hàng quần áo của người Việt nở rộ ban đầu đã mai một dần và người Việt lấn sang các lĩnh vực khác như cửa hàng hoa, cửa hàng rau quả và lĩnh vực dịch vụ như mở tiệm Nails, gần đây nhiều nơi kèm thêm Massage…

Bán hàng ở chợ phiên là một nghề quen thuộc của người Việt thế hệ thứ nhất

Thế hệ thứ nhất của người Việt ở Đức còn có nhiều quan hệ với gia đình ruột thịt ở Việt Nam như cha, mẹ, anh chị em ruột và còn nhiều kỷ niệm gắn bó với quê hương, bạn bè cũ… nên họ còn thường xuyên về thăm nhà, mang theo quà cáp hoặc thậm chí chu cấp tiền bạc thường xuyên cho cha, mẹ, anh chị em… Vì vậy, để kiếm tiền đảm bảo cuộc sống, dành dụm cho con, cho tương lai, nhiều người Việt ở Đức đã làm việc quần quật, bất chấp gian khổ. Các gia đình bán hoa có thể phân công người chồng dậy sớm để 3 giờ sáng đi lấy hoa về cho vợ bán tới tận tối, nhiều người phải cắn răng chịu dựng cái rét tái tê để đứng bán hàng ngoài trời vào mùa đông. Nhiều người làm quán phải mở cửa bán hàng từ 11 giờ trưa tới 23 giờ đêm, ăn ngủ thất thường. Ngành Nails trông có vẻ nhẹ nhàng, nhưng cũng không kém phần vất vả, lại còn phải tranh nhau hạ giá…

Thế hệ thứ hai của người Việt ở Đức lớn nên, nổi tiếng là học giỏi với trung bình trên 60% được chọn vào trường Gymnasium và đa phần sau khi tốt nghiệp phổ thông, có bằng Tú tài (Abitur) cũng vào học đại học. Tuy nhiên, các trường đại học ở Đức nổi tiếng là nghiêm ngặt và đòi hỏi chất lượng cao, cho nên, trung bình có từ 25 tới 30% sinh viên không có bằng tốt nghiệp, phải bỏ dở chừng hoặc chuyển sang học ngành khác. Những sinh viên người Việt tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học và có thể xin được việc thì sẽ đi làm cho các hãng, các tổ chức kinh tế, xã hội. Một số học sinh người Việt không học đại học cũng chuyển sang học nghề và làm các nghề như người Đức, ví dụ như Hải Yến mở cửa hàng thời trang tóc ở thành phố Dresden. Tuy nhiên, số lượng người Việt học nghề để trở thành những người thợ chuyên nghiệp rất ít. Phần lớn là học đại học, nếu không thì xin đi làm để kiếm được tiền luôn, chứ không muốn học nghề thêm ba năm. Đây là một điều đáng tiếc, vì hệ thống trường dạy nghề kép của Đức rất tốt, dạy cho học viên vừa lý thuyết vừa thực hành, từ đó mới có cơ sở để phát triển lâu dài. Có lẽ điều này lý giải vì sao mà người Việt có hàng ngàn nhà hàng (Restaurant) ở Đức, nhưng chỉ tầm tầm, không có đẳng cấp cao, vì có mấy người đi học quản lý nhà hàng, khách sạn, cũng như học nghề nấu ăn, phục vụ tại nhà hàng? Mà phần lớn là „học mót“ của nhau, người này bảo người kia, thiếu tính chuyên nghiệp.

Trong khi thế hệ người Việt thứ nhất ở Đức làm việc quên mình để kiếm tiền cho mình, cho con cái và gia đình ở Việt Nam, rất ít người quan tâm tới việc đi nghỉ, đi du lịch, ngoại trừ về Việt Nam thăm gia đình, thì thế hệ thứ hai đã có cách suy nghĩ gần với người Đức hơn. Những người làm việc trong các hãng thì đăng ký lịch nghỉ phép năm để đi nghỉ, đi du lịch. Những ngày nghỉ thì họ đi xem phim, xem ca nhạc, đi nhảy, đi quán ăn uống để tiêu khiển. Đi làm ở hãng thì lương ổn định, nhưng thu nhập thì khó mà bằng những cơ sở kinh doanh tốt, như các cụ trước đây đã tổng kết là „Phi thương bất phú“. Tuy nhiên, rất nhiều người trong thế hệ thứ hai không hề muốn tiếp quản các cửa hàng kinh doanh, nhà hàng của cha mẹ, bởi vì chúng không muốn suốt ngày mệt mỏi, vùi đầu vào những công việc nhàm chán chỉ để kiếm tiền, không còn thời gian và sức lực cho những sở thích khác. Một số người trong thế hệ thứ hai đã thắc mắc, không hiểu sao mà cha mẹ chúng vất vả kiếm tiền để gửi về cho ông bà, cô dì chú bác ở quê. Bởi vì mối quan hệ của chúng với ông bà và họ hàng ở quê nhà đã trở nên mờ nhạt và trừu tượng, chỉ đọng lại một số kỷ niệm thoáng qua trong mỗi lần về thăm quê.

Trong khi phần lớn những người trong thế hệ thứ nhất còn giữ quốc tịch Việt Nam thì ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ thứ hai vào quốc tịch Đức. Riêng trong hai năm 2015 và 2016 đã có trên 110 người Việt ở bang Thüringen vào quốc tịch Đức, đứng đầu danh sách những người nước ngoài vào quốc tịch Đức.

Quá trình „Đức hóa“ của thế hệ thứ hai của người Việt cho thấy cộng đồng người Việt sẽ hội nhập sâu hơn vào xã hội Đức với cả những khía cạnh tốt và những khía cạnh không tốt theo quan niệm Việt Nam. Sự bất đồng quan điểm trong một số vấn đề xã hội giữa „Cha mẹ Việt“ và „Con Đức“ có thể làm trầm trọng thêm sự xung đột thế hệ vốn hay nảy sinh trong xã hội, mà cả hai bên phải bình tĩnh để giải quyết trong tình yêu thương, tránh làm cho xung đột bùng nổ, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Nguồn: Văn Long /Thoibao.de

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo