Ba Lan

Giọt mồ hôi rơi trên tuyết

Cập nhật lúc 05-02-2016 15:41:35 (GMT+1)
Ảnh minh họa: Internet

 

Mới 45 tuổi mà trông gương mặt Đinh Xuân Chiến khắc khổ, già như ngoài 60. Mấy tuần nay Chiến bồn chồn đếm ngược thời gian đến Tết Bính Thân. Càng gần kề ngày cuối năm, lòng dạ Chiến càng rối bời.


Tò mò, tôi lân la hỏi lý do. Chiến bảo, chưa bao giờ trong đời anh sợ Tết như lúc này. Chiến lo không biết liệu có chèo chống qua nổi cơn khốn khó này không. Từ lâu đã thành tập quán, người Việt Nam dù đi đâu, ở đâu vẫn thường lấy Tết làm mốc thời gian để giải quyết nợ nần, tổng kết công việc năm.

Dấn thân

Là người chăm chỉ, cần mẫn Chiến quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh từng nghĩ đời mình mãi gắn chặt, lúc với nghề nông trên cánh đồng, khi kéo lưới thuê trên biển, một năm đôi ba tháng ra thị xã làm thợ nề. Lấy vợ rồi đẻ con, đầu tắt mặt tối vẫn triền miên đói ăn, Chiến an phận tin đời mình sẽ lặng lẽ trôi xuôi như bao cảnh đời "nghèo đều" xung quanh.

Làng quê đang yên ả bỗng từ đâu ập đến làn sóng xuất khẩu lao động kiếm sống. Nhiều gia đình ở huyện nghèo ven biển này tìm cách thế chấp mọi tài sản, vay mượn mọi nguồn tiền để nộp cho các chủ "đường dây" những mong con em mình được đặt chân lên miền đất hứa.

Làn sóng ấy đã cuốn Chiến đi với viễn cảnh đổi đời cùng 10 nghìn đô tiền nợ.

"Lăn lộn như em, bám mãi mảnh đất cằn cỗi ven biển này mỗi ngày giỏi lắm kiếm được 1 đô, chẳng lẽ em lại chê xứ sở thu nhập gấp cả trăm lần nhiều hơn thế?" - Một anh cùng xóm làm môi giới "đưa người" trên thị xã tay chém mạnh, giọng cả quyết càng làm Chiến thêm tin tưởng vào quyết định ra đi.

Gian nan

Năm 1995 đặt chân đến Ba Lan, không một đồng vốn, Chiến hăm hở "khởi nghiệp" bằng sức trẻ chở hàng thuê cho các chủ quầy trên chợ Sân Vận động Mười năm, đầu mối bán buôn lớn nhất Đông Âu thời đó.

Hai giờ sáng, Chiến phải ra khỏi nhà, lên chợ Sân gò lưng kéo chiếc xe wozek chất ngất nghểu thùng carton, bao tải cao quá đầu đến giao cho từng quầy hàng. Từ mùa đông lạnh giá - 20°C đến mùa hè oi bức trên 30°C, Chiến quần quật bốc dỡ hàng trăm thùng hàng, chuyển hàng chục chuyến wozek để đổi lấy dăm bảy chục đô mỗi ngày.

Hàng tháng trừ dần khoản nợ vay mượn lúc ra đi, cùng các khoản chi phí ăn ở đi lại tối thiểu, Chiến cũng để dành được cả nghìn đô.

"Thanh niên cường tráng mới ngoài 20 tuổi mà em chịu không nổi cường độ lao động ấy, đằng đẵng từ ngày này sang ngày khác. Hai năm sau em phải chuyển nghề, anh ạ!".

"Em làm gì sau đó?".

"Em trồng rau, bán lòng lợn, gà đồi, vịt, ngan và làm nhiều việc lặt vặt khác, miễn là ra tiền”.

Lao động cật lực, tiết kiệm tối đa, và tiếp tục trả nợ, 2 năm sau Chiến quay trở lại chợ Sân. Lại dầm mình trong tuyết lạnh -20°C, lại đầm đìa mồ hôi trong oi bức trên 30°C nhưng không phải để kéo wozek thuê cho các chủ hàng như trước, mà đứng bán hàng cho chính mình.

Đổi đời

Chắt bóp, tằn tiện, dành dụm lần hồi rồi Đinh Xuân Chiến cũng đổi được sang phận "làm chủ". Đó là quãng thời gian Chiến trả hết nợ, đón vợ con sang Ba Lan và gom đủ 30 nghìn đô để mua lại một kios bán hàng trên chợ Sân.

"Bán hàng tuy không giàu nhanh nhưng ổn định, ít rủi ro. Biết tiết kiệm, lại tần tảo làm ăn nên vợ chồng em cứ từ từ đi lên như cỗ xe lu, anh ạ. Khi nghe tin chợ Sân sắp đóng cửa, kinh tế chợ xập xệ đang trên đà giảm sút, mô hình trung tâm thương mại sẽ là xu hướng phát triển của tương lai, sẵn dành dụm được đủ tiền, em mua lại quyền sử dụng một quầy bán buôn trong khu Trung tâm thương mại hiện đại, tiện nghi  Wolka Kosowska, nơi có tới 5 nghìn hộ người Việt buôn bán và làm dịch vụ”.

"Bà con mình kinh doanh trong đó có tốt không?".

"Mấy năm đầu, ai cũng hoan hỉ vì làm ăn hiệu quả, lại mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu. Quầy của em rộng hơn 70m2, có 2 mặt tiền nên khách hàng vào mua nườm nượp”.

"Em kinh doanh mặt hàng nào?".

"Em bán buôn quần áo bò nhập khẩu giá rẻ”.

Đó là năm 2003 trước khi Ba Lan gia nhập Cộng đồng châu Âu. Năm năm liền sau đấy, nhiều gia đình Việt Nam có quầy trong Trung tâm thương mại Wolka Kosowska, ngoại ô Warszawa làm ăn khấm khá nhờ nắm bắt tốt cơ hội kinh doanh, nhờ kinh tế phát triển, đời sống người dân cải thiện, sức mua thị trường tăng mạnh. Có tiền, người Việt đua nhau mua nhà khang trang và sắm xe hơi tiện nghi. Cuộc sống của cộng đồng Việt Nam trong đó có gia đình Chiến dần trở nên sung túc.

"Lúc đó nhớ lại cuộc sống ở quê nhà, em cứ ngỡ mình đang mơ, anh ạ. Suốt thời gian dài, ở Ba Lan sao lại kiếm tiền dễ thế chứ? Anh biết không? Năm 2008, nhiều người gạ em chuyển lại quyền sử dụng quầy bán hàng với giá bằng cả căn hộ cao cấp ở trung tâm thủ đô Warszawa, thế mà em không đồng ý. Em nghĩ dại gì mình bán cái máy in tiền”.

"Cuộc sống vật chất đi lên, vậy người Việt mình có nghĩ đến việc cải thiện đời sống văn hóa không?".

"Ối anh ơi! Chúng em sang đây mục đích là kiếm tiền chứ có phải đi du lịch để hưởng thụ đâu, còn cơ hội thì phải cố sức tranh thủ vơ, làm gì dám nghĩ đến những điều cao sang ấy. Hằng ngày muốn xem thì có VTV4, muốn đọc thì có báo mạng. Thi thoảng cũng có đoàn văn nghệ từ trong nước sang biểu diễn. Thế là xa xỉ lắm rồi”.

"Với em, Tết ở đây so với Tết ở quê nhà có gì khác nhau không?".

"Những ngày cuối năm, trong giá lạnh buốt căm căm, ở tận phương trời Tây mà cộng đồng người Việt vẫn cảm nhận được không khí và hương vị Tết như đang đến gần, cũng đầm ấm thiêng liêng lắm, anh ạ. Hàng năm, mùng Một Tết ít khi trùng với lịch đỏ của Ba Lan nhưng người Việt vẫn thường tự thưởng cho mình một hai ngày nghỉ, không buôn bán, không chợ búa để quây quần bên mâm cỗ truyền thống. Cũng đủ cả bánh chưng, bóng xào, măng khô, giò lụa, giò thủ... Những lúc nâng ly, mọi người cũng cùng hô: Một, hai, ba, dzô! Vui lắm! Nhưng đôi khi không khí bất chợt chùng xuống vì có ai đó nhắc đến người thân nơi quê nhà”.

Tôi rất hiểu điều Chiến vừa nói và đang nghĩ trong đầu. Hồn quê luôn đeo bám theo con dân nước Việt mọi lúc, mọi nơi. Bởi ngay cả việc lớn như mua nhà, người Việt xa xứ cũng rủ nhau túm tụm quây quần trong cùng một khu. "Thế cho nó ấm tình đồng bào, đồng hương" - nhiều người vẫn nghĩ vậy.

"Mấy Tết rồi em chưa về quê, thăm bố mẹ?".

"Suốt mười mấy năm, nhờ làm ăn khấm khá, tiền nong dư dả, cứ cách năm em lại đưa vợ con về quê ăn Tết với ông bà. Nghĩa là một năm ăn Tết ở nhà, một năm ăn Tết ở đây, đều cứ như vắt chanh ấy. Nhưng 3 năm nay thì…".

Giọng Chiến bỗng dưng nghẹn lại: "Chẳng riêng gì em đâu, mấy năm gần đây người Việt tại Ba Lan về quê ăn Tết cứ thưa dần theo từng năm. Không khí Tết bên này cũng chẳng vì thế mà đông vui hơn”.

Bóng đen

Cuộc mưu sinh nơi xứ người của gia đình Chiến tưởng rằng ngày càng phát triển tốt đẹp, vững chắc. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã làm đảo lộn tất cả.

Kinh tế trì trệ, sức tiêu thụ sa sút khiến buôn bán ngày một khó khăn hơn. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng quầy chỉ bằng 20% so với lúc đỉnh.

"Sao em không bán để thu hồi vốn? Được chút nào hay chút đó!".

"Khi giá xuống, người bán nhiều hơn người mua. Ban đầu em tiếc của, lại hy vọng chỉ thời gian ngắn thị trường sẽ hồi phục. Vậy mà trải qua 7 năm vẫn chưa thấy đáy suy thoái đâu. Bây giờ em muốn trở tay cũng không kịp nữa rồi, anh ạ!".

Thế là phải cố trụ lại, nhưng càng làm Chiến càng đuối, thu không đủ bù chi kéo từ năm này sang năm khác. Để che giấu tình trạng phá sản, sợ các chủ nợ đồng loạt đòi tiền, dồn gia đình mình đến đường cùng, Chiến phải dùng tiền của chủ hàng sau để trả cho chủ hàng trước, thậm chí phải vay lãi cao. Theo thời gian, các khoản nợ của Chiến cứ lớn dần lên, chồng chất thêm, ngập ngụa. Phá sản, mất nhà, mất xe với Chiến không còn là mối đe dọa mà đang trở thành nguy cơ cận kề. Trong lòng Chiến "chiếc kim hẹn giờ đang nhích dần tới điểm nổ”.

Cơ nghiệp gây dựng được bằng sức lao động tuổi thanh xuân của vợ chồng Chiến đang hằng ngày đội nón ra đi. Chiến không chỉ quay về con số 0 như khi ở quê nhà mà đang về con số âm.

"Không nghề nghiệp, không một đồng vốn, gia đình em hiện nay như đứng bên bờ vực. Nhiều đêm trăn trở, vật vã với mối lo có lúc em đã nghĩ đến các cách có thể làm liều để thoát nợ, bán hàng giả nhãn mác, hay giật nợ rồi đưa vợ con trốn sang một nước nào đó?".

Nhìn ánh mắt thất thần ăm ắp buồn của Chiến, tôi hiểu, khi Tết Bính Thân càng gần, nghĩa là ngày thanh toán nợ càng gần...

(*) Tên nhân vật đã được sửa đổi - Ảnh trong bài: Cảnh buôn bán của người Việt tại Ba Lan.

Nguồn: Trần Quân/CAND

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

  • #4 Hoàng Thắng: Kêu ca gì!

    09-02-2016 09:57

    Ông số 3 nói đúng đó! Kêu ca gì, làm ăn kiểu chộp giật, có tiền về VN chơi cho sướng... Bà con cứ bình tĩnh...sông ở tây chỉ lười quá thì chết đói, tham quá hoặc chơi bơi quá thì mang nợ thôi!
  • #3 Ký danh: Mồ hôi trên tuyết?

    06-02-2016 21:10

    Đéo cần các bác ở nhà thương đâu nhé.Một xã hội bất công đói nghèo đã đẩy người ta đi tha phương cầu thực rồi giờ lại ra giọng nhân đức.Còn cái bạn trong bài này than thở cũng vừa thôi.Lúc kiếm ăn được thì gửi tiền,đưa người về VN chơi têt đều như vắt chanh,bây giờ làm ăn khốn khó thì kêu ca.Có gan thì giật nước đi.Làm ăn ở đời nó thế.Lúc được lúc thua chuyện thường.Tây nó cũng thế,nhưng lúc nó làm được là nó bớt ăn tiêu,đóng bảo hiểm ,tiết kiệm đề phòng những lúc nhỡ khó,làm ăn thất bát,sức khẻo lụi tàn...Để đến lúc bần cùng nhất vẫn có nguồn nuôi dưỡng.Đấy là ở Tây,các bố ạ.Các bố lúc kiếm đươc ,gửi sạch tài sản về xứ lừa.Bầu đoàn thê tử kéo nhau về ăn chơi để chứng tỏ là Việt kiều.Thử hỏi như bác gì trong bài này mỗi lần về quê chơi tết có tiêu đến cả chục nghìn đô không,rồi quà cáp,đầu tư...Mà nói thật nhé các bác khỏe về VN,khỏe gửi tiền về thì vô tình các bác lại làm khổ dân đen ở xứ lừa thôi.Vì kiều hối vì các bác cứ gửi tiền về mua đâtt mà giá cả tăng vùn vụt,nông dân mất đất...Tiền các bác gửi về chạy một vòng rồi chui tọt vào túi bọn lừa đảo ,quan chức.Gia đình các bác may thì dùng tiền cho con cháu ăn học.không may thì tiền các bác cho nó bốc thành khói thuốc phiện cả rồi.Thế rồi trách móc nhau,kêu nghèo kể khó...ngưòi trách kẻ vô tâm,kẻ trách người keo kiệt quên tình quê hương.
    Nói tóm lại,đừng kêu nữa.Sống ở Balan thì hãy lo cho vợ con nó hòa nhập vào xã hội ở đấy.Văn minh châu âu cả đấy.Quên xứ lừa đi.Bình tĩnh mà sống.
  • #2 khóc to: lẩm bẩm

    05-02-2016 18:42

    Giá mà được xem bắn pháo hoa thì hay quá.
  • #1 Bán hàng EACC: Giọt mồ hôi rơi trên tuyết

    05-02-2016 18:18

    Anh Quân ơi ! Biết vậy ,anh là chủ chợ anh thương bọn em . Giảm tiền Czyn cho bọn em đi ! Cảm ơn anh nhiều...và chúc anh một năm mới sức khoẻ ,thành công !
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo