Ba Lan: Đã có giải pháp ổn định chỗ kinh doanh cho người Việt ở chợ Ptak
![]() |
Một góc của TTTM Ptak. Ảnh: http://lodz.naszemiasto. |
Như vietinfo đã đưa tin, tập đoàn Ptak có kế hoạch qui hoạch lại các khu vực buôn bán mà theo ông Giám đốc điều hành Jacek Ptak, nhằm nâng cao hiệu quả của công việc kinh doanh trước mắt ở đây và điều này cũng nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của tập đoàn khiến ban đầu tạo nên bầu không khí căng thẳng trong một bộ phận cộng đồng Việt ở đây khi phải di dời sang chỗ mới.
Khác với các công ty của người Ba Lan thường thuê mặt bằng ở mức 10 đến 12 m2, người Việt ở chợ Ptak phần lớn đều có quầy rộng lớn, thậm chí đến 150 m2 nên cũng dễ hiểu về cảm xúc của họ khi nghe nói phải chuyển sang khu vực mới mẻ, nơi mà chưa hình dung được mức độ lối đi lại, dù rằng khu vực nầy vẫn thuộc tòa nhà hala H.
Những người biết đến chợ Ptak thông qua sự giới thiệu của ông Nguyên Thế Thiêm lúc đầu cũng đã có phản ứng rất gay gắt, khi biết tin phải thay đổi chỗ kinh doanh. Theo bà con, dù đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn nhưng dù sao thì người chịu trách nhiệm, phải đối diện với các hướng giải quyết vẫn thuộc về ông Nguyễn Thế Thiêm.
Trong một cuộc gặp gỡ với ông Ngyễn Thế Thiêm, ông cho biết, rằng ông luôn đứng về phía bà con người Việt. Vấn đề xảy ra nó mang lại sự khó khăn cho bà con, thì hơn lúc nào hết tất cả cùng ngồi lại tìm một giải pháp chung tốt nhất, chứ không nên chỉ trích nhau. Ông cũng cho biết, nếu như ông đang ở Việt Nam mà nghe tin này ông sẽ bay sang Ba Lan ngay cùng bà con, huống chi ông đang ở đây (!).
Trong vòng hơn chục ngày qua, liên tục đã có nhiều cuộc gặp gỡ, thương thảo giữa đại diện bà con buôn bán cùng Ban giám đốc TTTM Ptak nhằm tìm ra một giải pháp tối ưu nhất trong hoàn cảnh thực tế. Cũng biết, ngay khi nhận được tin về việc có thể gây ảnh hưởng, xáo trộn đến công việc kinh doanh của bà con, theo ông Hồng Hà, Chi hội trưởng Hội người Việt tại Łódż đã được sứ quán Việt Nam tại Ba Lan mời lên tham vấn tình hình. Và cũng theo ông Hà, đích thân ông Đại sứ Nguyễn Hoằng trực tiếp chủ trì buổi họp, đưa ra quan quan điểm đối thoại mềm dẻo, tôn trọng nhưng cương quyết nhằm bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng ở mức cao nhất!
Ngày 29/ 12/ 2011 tiếp theo cuộc gặp mặt giữa bà con buôn bán ở hala H và chủ tập đoàn Ptak ngày hôm trước, đại diện chi Hội người Việt gồm các ông Hồng Hà, Quốc Cường, cùng đại diện người buôn bán và ông Nguyên Thế Thiêm, người trực tiếp đã xếp đặt chỗ cho người Việt nói chung tại TTTM Ptak đã có buổi trao đổi, thương thảo với Ban quản trị tập đoàn Ptak.
Giám đốc điều hành TTTM này, ông Jacek Ptak đã khẳng định lại quan điểm chiến lược, muốn xây dựng và phát triển cộng đồng Việt buôn bán ở trung tâm thương mại này như một phần „máu thịt” của tập đoàn . Tuy nhiên do „lỗi kĩ thuật” hai bên đã hiểu lầm nhau và phía tập đoàn cũng chưa kịp nắm rõ nguyện vọng của phía người Việt nên lúc đầu đã gây ra sự hoang mang, cũng như bức xúc một cách dễ hiểu.
Sau đó còn có nhiều cuộc thương thảo khác của nhóm đại diện bà con buôn bán và ông Nguyễn Thế Thiêm đối với chủ tập đoàn. Một giải pháp có thể chấp nhận và đáp ứng được nguyện vọng của bà con trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay đã được thông qua.
Cụ thể, phía Ptak đã đồng ý qui hoạch lại diện tích mặt bằng cho người Việt, mở thêm các lối đi, đục tường làm thêm cổng vào hala mới, nối khu vực mới của người Việt với khu hal I, nơi người Việt cũng đang kinh doanh ở đó. Khu vực mới của người Việt cũng chạy dài nối tiếp vào trung tâm chính của cả khu quần thể thương mại này.
Giống như đối với các thương nhân bản xứ khác trong diện bị di dời, các hộ kinhdoanh Việt ở đây sẽ được phía Ptak „hỗ trợ” 2 tháng tiền thuê chỗ, dù có nhiều ý kiến bà con cho rằng, đây cũng chỉ là chi phí cho sự chuyển đổi, „bau” lại quầy mới. Bắt đầu từ tháng Tư, tiền thuê quầy vẫn sẽ được giảm nhưng mức độ như thế nào thì hai bên sẽ tiếp tục thương thảo tiếp.
Như vậy nhìn tổng thể, giải pháp trên là giải pháp tốt nhất và hợp lí nhất cho tất cả các phía, nhất là cho sự kinh doanh của người Việt và sự phát triển nói chung mang tính chiến lược của trung tâm thương mại này trong tình thế hiện nay. Và qua đây, cũng nhận ra một chân lí đơn giản, một bài học chân phương, nếu như trong các mối quan hệ giữa giới chủ chợ và người kinh doanh, nếu như các bên đều có thiện chí, vì quyền lợi chung, lắng nghe ý kiến của nhau, cùng ngồi xuống bàn thương thuyết thì luôn tìm ra được một giải pháp tốt đẹp nhất. Chí ít là không có một vụ „Tiên Lãng” khác xảy ra ở trời Âu
Thế nhưng tương lai như thế nào thì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Và đã là người Việt, nhất là ở Đông Âu thì phương châm „liệu cơm gắp mắm” sẽ luôn luôn đồng hành với cuộc sống mang nặng dáng dấp bèo Tây, hay còn gọi kiếp lục bình!