2014

Xích-lô ơi, cảm ơn nhé - Tác phẩm dự thi 018

Cập nhật lúc 27-10-2014 12:00:00 (GMT+1)

 

Lớn lên trong sự đùm bọc và yêu thương của Ba Mẹ, tôi không hình dung được những khó khăn mà ba mẹ tôi đã trải qua, duy chỉ có một điều mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in, là cứ mỗi khi chiều về, nghe có tiếng chuông xích-lô reo ngoài ngõ, là tôi lại nhanh chân chạy ra, kéo dạt hàng rào kẽm gai ở cổng sang một bên, để ba tôi đưa xe vào nhà. Và sau đó, một tay gạt mồ hôi trên trán, một tay với lấy gói kẹo treo lủng lẳng nơi tay lái, ba mỉm cười âu yếm trao cho tôi, dường như mọi mệt nhọc và vất vả nơi ba đã tan biến khi thấy tôi nhảy tưng lên vì vui thích. Ngoài ra…


…Những ngày được nghỉ học, ba lại chở mẹ và tôi đi chợ huyện, thú vui khi được ngồi trên chiếc xích-lô của ba, chầm chậm ngắm nhìn cảnh vật trên đường, thỉnh thoảng ba lại trêu đùa làm mẹ và tôi cười òa thích thú… thiên hạ chung quanh dường như thầm ghen với cái hạnh phúc của gia đình bé nhỏ này.

Thu nhập hàng ngày của ba cũng chỉ được bữa thịt, bữa cá với chén canh rau, nhưng không vì thế mà gia đình tôi ngơi ngớt tiếng cười. Trong cái suy nghĩ non nớt của tôi, tôi cảm thấy mình được sung sướng lắm. Rồi những năm tháng tiểu học của tôi cũng kết thúc tốt đẹp, trong đó phải kể đến công ơn lớn nhất của ba và chiếc xích-lô, dù trời mưa hay nắng, không ngày nào ba để tôi phải đi bộ đến trường. Tuổi thơ của tôi đã trôi qua thật êm đềm đẹp đẽ. Nhưng tôi đâu có biết rằng để được như thế, ba đã phải oằn lưng khi thì chở một người, lúc thì hai, cố leo lên những con dốc dài trên đường phố. Ngày lại ngày qua, những tưởng rằng hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười với gia đình tôi.Ấy vậy mà…

… Những cơn ho dai dẳng và kéo dài của mẹ khi đêm về, ba tôi lúc đầu thì còn cố gắng chịu đựng. Nhưng rồi, có lẽ do phải làm việc cật lực ban ngày, tối đến lại không được yên tĩnh nghỉ ngơi, nên độ rày tôi thấy ba thường hay cáu gắt lạ thường! Những đồng tiền ba làm được để nuôi sống gia đình, giờ đã phải chi thêm vào những hóa đơn thuốc, những tờ giấy xét nghiệm của mẹ. Thời gian gần đây, tôi thấy ba thường trở về nhà với gương mặt đỏ au và nồng nặc mùi rượu, gói kẹo hàng ngày tôi vẫn chờ đợi đã không còn được ba cho thường xuyên nữa. Tuy còn bé nhưng tôi cũng cảm nhận được có cái gì đó, đã làm cho bầu khí gia đình tôi trở nên nặng nề u uất, dường như sự lo lắng thái quá đã khiến ba thay đổi. Vốn là một học sinh giỏi trong lớp, nhưng dạo này thấy việc học của tôi sa sút, thầy cô giáo gặng hỏi, tôi không trả lời mà chỉ biết cúi đầu ôm mặt khóc.

Càng ngày mẹ càng ho nhiều hơn, thân xác mẹ trở nên tiều tụy và những đốt xương của mẹ ngày càng hiện rõ hơn qua lớp áo nâu bạc…Cho đến một ngày mẹ gọi ba và tôi đến bên cạnh giường, giơ cánh tay gầy guộc ra, mẹ nắm chặt lấy tay ba và nói:

- Có lẽ mệnh trời đã định, em không thể sống cùng với anh và con được nữa. Mong anh và con hãy tha lỗi cho em. Điều cuối cùng em xin anh: hãy yêu thương và chăm sóc cho con mình.

Quay sangtôi, mẹ khó nhọc giơ hai cánh tay lên như muốn ôm chầm lấy tôi, và rồi dường như sợ căn bệnh lao phổi lây nhiễm cho con mình, mẹ vội đặt tay xuống, nước mắt lưng tròng, mẹ thều thào trong tiếng nấc nghẹn:

- con…yêu của…mẹ!

Tôi ôm chầm lấy mẹ và gào lên thật to:
- Mẹ, mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con!

Sau ngày mẹ mất, gia đình tôi trở nên vắng lặng, ba tôi thường hay ngồi uống rượu một mình, đôi mắt ông thẫn thờ nhìn vào cõi xa xăm vô định. Phần tôi, dù quá đau buồn nhưng tôi vẫn phải theo đuổi việc học. Chiếc xích-lô của ba vẫn ngày ngày đưa tôi đến trường. Nhưng sao độ này tôi thấy chiếc xe có vẻ rung lên theo từng hơi thở của ba, và nó chạy chao đảo hơn trước, dường như sức khỏe của ba giờ đã yếu đi nhiều rồi, tôi cảm thấy lo lắng cho ba:

- Ba ạ, hay là bận sau con đi xe cùng các bạn nhé.

Nét mặt ba bỗng cau lại sau cái lắc đầu, rồi theo năm tháng dần trôi… Ba cùng với chiếc xích-lô lại giúp tôi hoàn thành chương trình trung học.

Đã đến ngày tôi phải chia tay ba để lên Sài-Gòn thi đại học. Khi Chiếc xích-lô vừa dừng lại, ba dúi vào tay tôi những đồng tiền của mẹ chắt chiu cất giữ, những đồng tiền ba kiếm được dưới nắng, dưới mưa, và từ những cuốc xe nhễ nhại mồ hôi trên từng cây số. Giọng ba nghẹn ngào:

- Cố lên nhé con. Ở nơi cao đó, mẹ đang phù hộ cho bố con mình.

Tôi bước vội xuống xe mà hai hàng nước mắt chảy tràn. E rằng không kịp giờ thi, tôi chạy vụt nhanh. Dừng bước trước cổng trường, tôi ngoái nhìn lại, ở đằng xa đó, ba tôi đang giơ cánh tay áo lau vội, không biết ba đang lau những giọt mồ hôi hay lau… nước mắt?!

Ngày tốt nghiệp đại học thật là vui sướng, chung quanh tôi đông đủ bạn bè, đứa tặng hoa, đứa nắm chặt tay chúc mừng. Vẫn chưa thấy ba, tôi nóng lòng dáo dác tìm kiếm. Một bàn tay của ai đó vừa run run đặt lên vai tôi, quay mặt lại, tôi nhận ra hình bóng của người cha thân yêu, tôi hét lên và ôm ghì ba vào lòng, nhưng có điều làm tôi không thể ngờ được là, mới ngày nào đây khi tôi vừa bước chân vào giảng đường đại học, mái tóc của ba chỉ lốm đốm bạc mà nay đã trắng phơ, có lẽ do cái chết của mẹ, đã để lại trong ba sự hụt hẫng quá lớn, nay lại phải sống xa tôi, đứa con gái duy nhất của cuộc đời ba. Những giọt nước mắt chan chứa hạnh phúc và yêu thương chảy tràn trên khuôn mặt của ba và tôi. Tôi thầm ước: ba ơi con sẽ cố gắng dành hết tất cả cuộc đời mình, để đền đáp công ơn của ba và mẹ… Chiếc xích-lô ngày nào lại ân cần đưa tôi trở về thăm lại mái nhà xưa.

Tôi may mắn được một công ty Nhật Bản ở Sài-Gòn tuyển dụng. Do chưa quen với nếp sống của người thành thị, và bản thân tôi cũng chưa quên được lối sống dân dã quê mình thuở trước, nên bước đầu tôi có phần bỡ ngỡ và lúng túng. Được sự ân cần và trợ giúp của anh bạn trai người Nhật cùng phòng, tuy anh ta là người nước ngoài, nhưng vì công tác ở đây khá lâu, do đó ít nhiều anh ta cũng am hiểu được lối sống của người Việt, nên tôi cũng nhanh chóng hòa nhập. Thời gian đầu, cứ đến ngày thứ bảy, tôi lại nhắn tin cho ba là sẽ về thăm nhà. Để ba khỏi vất vả, tôi dự định sẽ thuê xe ôm hoặc đi taxi, nhưng khi phà vừa cập bến, tôi đã thấy ba đứng bên cạnh chiếc xích-lô quen thuộc chờ ngóng tôi.

Thời gian lẵng lặng trôi, hình bóng ba và chiếc xích-lô cũ kỹ quen thuộc, vẫn chờ tôi bên bến phà quê cũ mỗi chiều cuối tuần, đã in đậm sâu vào tâm trí tôi, tuy rằng với điều kiện sống bây giờ, chiếc xe máy là phương tiện cá nhân tối ưu cho mọi người, nhưng mỗi khi nhớ lại những hình ảnh ấy, lòng tôi không tránh khỏi bồi hồi.

Với kinh nghiệm từng trải và với chuyên môn vững vàng trong công việc, thu nhập của tôi giờ đây cũng đã đủ, để cho tôi suy nghĩ đến việc là đưa ba về thành phố sinh sống, và mua cho ba một chiếc xe máy… tôi hy vọng là sẽ phần nào làm cho ba bớt đi những cơ cực của cuộc sống. Nhưng những cố gắng của tôi cuối cùng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của ba, với lý do hết sức đơn giản: ba không quen, và ba còn nói tiếp là: ba không thể để mẹ con nằm ở đây một mình được. Ôi con người của ba tôi là thế đó, bình thường nhưng sâu lắng, trầm tĩnh nhưng mãnh liệt.

Làm cùng công ty, cùng trao đổi và sẻ chia cho nhau những công việc... tình cảm giữa tôi và anh bạn trai người Nhật Bổn ngày càng nảy nở, hai con tim đã cùng nhịp đập, cùng tiếng nói chung. Nhân ngày nghỉ phép tôi thưa chuyện với ba, ba gật đầu vì ba biết rõ là trước sau gì ngày đó cũng đến, và ba cũng không thể nào giữ đứa con gái yêu dấu trong vòng tay của mình được mãi. Nhưng tôi nhận thấy ba thoáng buồn, vì tuy sự thật có phủ phàng, có làm cho tim ta đau nhói, thì cũng phải bằng lòng, phải chấp nhận thôi, vì mình không thể đánh lừa thực tế được, và mặc dầu ba không nói ra, nhưng tôi thiết nghĩ rằng, ba không muốn san sẻ và không muốn ai tách rời cái tình cảm thiêng liêng giữa hai cha con tôi. Vẫn biết là chua xót nhưng tôi không thể làm gì hơn...

Tan ca chiều, tôi trở về nhà. Cổng nhà tôi mọi ngày vẫn khóa chặt, nhưng sao hôm nay chỉ khép hờ. Qua cánh cổng tôi bỗng giật mình tưởng rằng đang mơ, ô kìa! Trước hiên nhà chiếc xích-lô quen thuộc ngày nào… ủa sao nó lại ở đây?

Vẫn nụ cười hiền hòa dễ mến, ba lau vội chút mồ hôi còn đọng lại trên vầng trán nhăn nheo, rồi với tay lấy gói kẹo và trao cho tôi, tôi vui thích nhảy tưng lên như thuở nào… chồng con tôi cũng đã đứng đó tự bao giờ. Và…

… Vì chưa một lần được trông thấy viên kẹo gỗ dính đầy những bột, chồng tôi có vẻ lo ngại và không muốn cho con mình ăn, nhưng khi thấy tôi cứ cho vào miệng nhai rôm rốp, cảm giác e sợ đã từ từ biến mất, không dám nhìn thẳng vào mặt chồng, nhưng tôi biết chồng tôi đã len lén bỏ vào miệng, như muốn thử xem cái hương vị ngồ ngộ, đã mê hoặc và đã theo chân vợ mình ngay từ tấm bé.

Tưởng rằng trong bữa cơm mừng hội ngộ chiều nay ở nhà hàng, ba sẽ leo lên xe hơi để đi cùng. Nhưng không… khi thấy tôi và con trẻ tươi cười ngồi trên chiếc xích-lô, chồng tôi vừa chạy theo vừa gọi:

- Ba ơi, chờ con với.

Thế đấy: Khi tôi sinh ra, khi tôi lớn lên và khi tôi thành công… Ngoài công ơn Cha Mẹ, tôi còn biết nói gì hơn, là:

- Xích-lô ơi! Cám ơn mày nhé.

Phụ trách chuyên mục: Thiều Quang
tel.+420 774 873 066
Email: baiduthi@vietinfo.eu
Cuộc thi "Kỷ niệm khó quên trên con đường lập nghiệp"

  • #3 canhken: nhan xet

    01-11-2014 14:55

    Bài viết khá hay, sâu lắng...gợi nhớ về những tháng ngày thân yêu trong vòng tay cha mẹ.
    Sau 30/4 ba mình cũng phải đạp xích lô để nuôi anh em mình ăn học.
    Giờ đây ông đã yếu, binh phải ngồi xe lăn.
    Cảm ơn tác giả đã đánh động những tấm lòng tưởng như đã khô khan của con cái trong việc phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.
  • #2 Ký danh: Tiêu đề

    31-10-2014 12:09

    Tình yêu thương của ba mẹ đối với con cái không gì ví được, bài viết thất sâu sắc, đáng trân trọng và cảm động. Bài viết rất có hồn
  • #1 Khang Nguyễn: Nhận xét

    31-10-2014 00:42

    Tác giả đã dành cho người đọc một ngạc nhiên thích thú, khi cho người chồng gọi với theo - "Ba ơi, chờ con với."

    Công lao của bố đã ảnh hưởng qua con gái, đến tận người con rể gốc Nhật, đã lột xác thành người Việt trăm phần trăm .

    Ngoại trừ một vài câu văn quá dài, kỳ dư , bài viết sống động, và đáng trân trọng
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo